Lập lại trật tự đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh - Bài 1: Làm gì để không tái diễn

Lập lại trật tự đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh - Bài 1: Làm gì để không tái diễn

Bài 1: Làm gì để không tái diễn 

Thời gian gần đây, dư luận cả nước quan tâm đến việc nhiều quận, huyện ở TP.HCM quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè. Cách xử lý cương quyết, không kiêng dè của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 đã mở ra một làn sóng đồng tình ủng hộ của người dân sau bao năm thành phố gần như bất lực trước tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, những nỗ lực đòi lại vỉa hè của các cấp chính quyền sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, bởi nó làm tổn hại đến lợi ích của rất nhiều người vốn đã quen trục lợi từ vỉa hè lâu nay. 

Lực lượng chức năng lạp biên bản các trường hợp lấn chiếm vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1). Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN
 Lực lượng chức năng lạp biên bản các trường hợp lấn chiếm vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1). Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

*Vỉa hè – “mảnh đất” sinh lợi của nhiều đối tượng 

Đã từ lâu chúng ta quen với việc vỉa hè được trưng dụng để phục vụ lợi ích riêng của cá nhân, tổ chức bằng nhiều cách khác nhau. Khi lưu thông trên đường, rất dễ nhận thấy tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường tại TP.HCM diễn ra công khai, tràn lan, tấp nập. Không chỉ những người bán hàng rong, những xe bán hàng lưu động mà các cửa hàng cố định cũng tranh nhau bày biện hàng hóa, treo bảng hiệu ra vỉa hè, lòng đường… 

Theo Ban An toàn giao thông TP.HCM, thành phố có 4.869 tuyến đường, trong đó có 2.271 tuyến đường có vỉa hè. Thời gian qua, Ban An toàn giao thông đã lập các đoàn kiểm tra, khảo sát và nhận thấy còn rất nhiều hộ mặt tiền kinh doanh, để xe, hàng hóa, bảng hiệu lấn chiếm vỉa hè. Nhiều hàng quán vào ban đêm chiếm dụng vỉa hè để kê bàn ghế buôn bán, tình trạng đỗ xe (nhiều giờ) trên một tuyến đường, ngay cả đường có biển cấm đỗ… 

Mặt khác, theo các chuyên gia, xã hội với nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển đất nước và đáp ứng nhu cầu của người dân từ kinh tế quốc doanh đến kinh tế dân doanh. Và chuyện hàng rong tuy không có cửa hàng cửa hiệu, không có công ty với giám đốc, kế toán, không có giấy phép được cấp nhưng cũng có thể gọi là một thành phần kinh tế: “kinh tế vỉa hè”. 

Theo Thạc sĩ Phạm Thanh Thôi, Giảng viên Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM, hoạt động kinh tế vỉa hè thời gian qua ở thành phố dù ở nơi đâu, trên vỉa hè hay trong đường hẻm đều đã đáp ứng được những nhu cầu rất cao từ tập quán tiêu dùng, tiện ích, khả năng chi trả…của đông đảo người dân. Và dù, các hoạt động kinh tế vỉa hè được nhìn nhận dưới góc độ nào, thì đến nay nó cũng là lĩnh vực kinh tế nảy sinh và tồn tại mang tính khách quan. 

Hơn nữa, nó còn được coi là “cứu cánh” đáp ứng nhu cầu mưu sinh của hàng nghìn hộ dân nghèo và thu nhập thấp đang sống ở thành phố. Vỉa hè trở thành nơi kiếm sống của một bộ phận người dân bởi nó đáp ứng được nhu cầu dịch vụ và hàng hóa rẻ, tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho đông đảo cư dân đô thị trong nội thành lẫn ngoại thành. 

Và thực tế việc chiếm dụng vỉa hè để buôn bán, đón tiếp khách hàng, giữ xe, trưng bảng hiệu… đến nay không phải tập trung ở đối tượng nghèo, thu nhập thấp nữa. Rất nhiều nhà hàng, cửa tiệm, công ty, cơ sở sản xuất… đã chiếm dụng vỉa hè bằng nhiều cách. Có chỗ thì chủ nhà cho thuê mặt bằng trước nhà mình, có chủ nhà cho người thân chiếm dụng để buôn bán, kinh doanh vỉa hè. Phổ biến nhất là chủ nhà đã trực tiếp chiếm dụng để kinh doanh… 

Từ lâu, nhiều hộ dân có nhà mặt tiền đường cũng mặc nhiên coi vỉa hè là của mình để sử dụng vào việc riêng hoặc cho thuê buôn bán. Người buôn bán trên vỉa hè muốn đặt hàng bán đều phải trả cho chủ nhà một khoản tiền thuê từ 2-4 triệu/tháng, chưa kể là hàng tháng phải trả thêm tiền chung chi cho các đối tượng khác nữa. 

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, người bán nước trên đường Đề Thám (quận 1) cho biết, để có chỗ ngồi bán chị phải sang lại mặt bằng vỉa hè này từ một người bán trước với giá gần 10 triệu đồng và hằng tháng phải trả tiền thuê cho chủ nhà 1,5 triệu đồng. 

Với tình trạng lấn chiếm, vi phạm vỉa hè tràn lan như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng nếu cứ tiếp tục duy trì “kinh tế vỉa hè” thì sẽ không có văn minh đô thị. Tuy nhiên, việc dọn dẹp vỉa hè đã nhiều lần thất bại và tái diễn vì đụng chạm đến “miếng cơm manh áo” của người kinh doanh và thói quen sinh hoạt của khách hàng. Hơn nữa, đây là môi trường để nhiều người “đục nước béo cò”, người vi phạm có “tay chân” với chính quyền. 

Thực tế là chính trên cùng một tuyến đường nhưng lực lượng trật tự đi kiểm tra thường xuyên nhưng vẫn có những hàng quán ngang nhiên hoạt động lấn chiếm vỉa hè, trong khi những quán khác lại bị tịch thu, phạt nặng. 

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, chủ một quán ăn trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho biết, người dân ở đây muốn mở cửa hàng hay quán ăn dù nhỏ hay lớn cũng phải “báo cáo” cho lực lượng quản lý trật tự đô thị phường. Vì phải tận dụng một phần vỉa hè để đậu xe cho khách nên hầu như tháng nào cũng vậy, phải chung chi thì mới yên tâm làm ăn được. Nếu tháng nào chưa kịp “quà cáp” thì sẽ bị làm khó dễ, thậm chí lập biên bản xử phạt là chuyện bình thường. 

*Lập lại trật tự vỉa hè 

Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương “dẹp bỏ” các hoạt động kinh tế vỉa hè đã được UBND TP.HCM xác định từ khi có Nghị định 36/1995 NĐ-CP của Chính phủ về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị cùng các Chỉ thị 02/2001/CT-UB (3/2001), Chỉ thị 13/2001 CT-UB (6/2001)… do UBND TP.HCM ban hành. 

Theo đó, cụ thể thành phố đã chỉ chị cho các quận, huyện, phường, xã triển khai và thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn cấm hoạt động “kinh tế vỉa hè” với các hình thức xử phạt như thu gom, phạt tiền, đặc biệt là giải pháp “giải tỏa trắng” kết hợp giúp dân chuyển đổi nghề. Kết quả của các giải pháp này vẫn chưa thể trả lại được vỉa hè cho người đi bộ. Thực tế cho thấy các nhà quản lý cần quan tâm đến vấn đề khác. 

Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP. HCM cho rằng, lập lại trật tự vỉa hè là việc làm thường xuyên của thành phố chứ không phải đến giờ mới làm. Những quy định xử phạt liên quan đều có và đầy đủ. Tuy nhiên, do quản lý còn lỏng lẻo nên dẫn đến tình trạng người dân lợi dụng lấn chiếm lề đường để kinh doanh, buôn bán. Việc dứt điểm trả lại lòng, lề đường về đúng chức năng của nó, cơ quan nhà nước, cán bộ công chức phải chấp hành trước để làm gương, sau đó đến các đơn vị kinh doanh, người dân. 

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại khu vực nhà thờ Đức Bà, quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Trần Đức
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại khu vực nhà thờ Đức Bà, quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Trần Đức

Không thể cục bộ địa phương vì lợi ích của một cá nhân, hay đơn vị nào mà ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng. Quá trình thực hiện của UBND quận 1 đã tạo ra áp lực dư luận lớn lên lãnh đạo quận cũng như lãnh đạo thành phố, vì bên cạnh những ý kiến ủng hộ cũng có những ý kiến trái chiều. Cái mới bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi đụng chạm đến lợi ích. 

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Thành viên nhóm Tư vấn đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM, hành vi vi phạm pháp luật và an toàn giao thông đô thị này diễn ra hằng ngày như xây lấn ra ngoài vỉa hè, buôn bán hàng rong không loại trừ có sự dung túng, “bảo kê”, bắt tay với các hộ kinh doanh… của chính những lực lượng làm công tác này ở các phường, xã. 

Ông Điền đưa ra dẫn chứng hết sức cụ thể: “Đơn giản như việc tôi xây nhà, vừa chở một xe cát đến thì chưa đầy một tiếng sau cán bộ phường đã có mặt rồi thì việc người dân lấn chiếm, xây công trình lấn ra vỉa hè bao lâu rồi mà không lẽ chính quyền không hay biết gì, địa bàn một phường, xã đâu có lớn lắm đâu”. Vấn đề “tế nhị” này ai cũng biết nhưng không ai dám nói ra. Do đó, việc lập lại trật tự vỉa hè phải quán triệt ngay từ các cán bộ phường, xã, thắt chặt kỷ cương từ trên thì dưới mới nghiêm minh được. 

Vì vậy mà trong nhiều cuộc họp với lãnh đạo UBND các quận, huyện, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong luôn nhấn mạnh đến việc: “Làm sao để chủ trương này tiến triển theo chiều hướng góp phần tạo nên cuộc sống cho người dân tốt hơn. Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề giao thông, văn minh đô thị. Nhưng khi triển khai thực hiện, chúng ta phải làm đúng luật”. Việc sắp xếp lại trật tự vỉa hè, lòng đề đường nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, chúng ta phải làm quyết liệt hơn nữa nhưng lưu ý không làm theo kiểu phong trào./. 

Có thể bạn quan tâm