Lao động xuất khẩu: Đừng bỏ trốn sẽ lợi hơn

Lao động xuất khẩu: Đừng bỏ trốn sẽ lợi hơn
Nghiêm chỉnh có lợi hơn Thay vì trốn ở lại như rất nhiều lao động, anh Nguyễn Đức Quang (Đan Phượng, Hà Nội), đi xuất khẩu lao động từ năm 2008 - 2014 theo chương trình cấp phép của Hàn Quốc (EPS), đã trở về nước đúng hạn. Với lương 2.000 USD/tháng, lại được làm việc trong môi trường công nghiệp, nhanh trưởng thành về nghề, cũng như nhiều người khác, anh Quang vẫn muốn tiếp tục ở lại làm việc sau khi đã hết hạn hợp đồng. Tuy nhiên, tuân thủ theo quy định, anh vẫn về nước đúng thời hạn và chủ lao động phía Hàn Quốc cũng cam kết sẽ nhận vào làm việc trở lại. “Hiện tại, tôi đang làm thủ tục để trở lại Hàn Quốc làm việc”, anh Nguyễn Đức Quang chia sẻ.
Lao động xuất khẩu: Đừng bỏ trốn sẽ lợi hơn ảnh 1
Tư vấn cho lao động từng đi làm việc ở Hàn Quốc tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội.
Cũng vậy, anhTrần Văn Linh (Đông Hưng, Thái Bình) đang hoàn tất thủ tục để quay lại Hàn Quốc làm việc. Lần đi này anh chỉ phải đóng đúng với mức phí Nhà nước công bố, không cao như lần trước phải qua trung gian. Hiện tại, anh và chủ lao động cũ phía Hàn Quốc vẫn thường xuyên gọi điện, trao đổi với nhau và họ hứa sẽ nhận lại khi anh sang tới Hàn Quốc. Anh Linh bộc bạch: “Về nước đúng hạn rồi lại đi xuất khẩu lao động, điều này tốt hơn nhiều việc trốn ở lại, vì mình được làm việc đàng hoàng, không phải sợ hãi, trốn tránh cơ quan chức năng”. Lý giải về nhiều trường hợp lao động Việt Nam hết hạn trốn ở lại Hàn Quốc làm việc, anh Nguyễn Đức Quang cho biết: Trước đây, nhiều lao động xuất khẩu phải thông qua môi giới, nên chi phí hết nhiều. Có người chi cả trăm triệu để được đi, vì vậy họ muốn ở lại kiếm thêm tiền trả nợ và tích lũy. Bên cạnh đó, do chưa có thông tin rõ ràng về việc nếu về nước đúng hạn sẽ được tiếp tục đi xuất khẩu lao động, nên các lao động sợ về sẽ không được đi nữa.  Tuy nhiên, cũng theo anh Quang, còn một nguyên nhân nữa là phía Hàn Quốc cũng không làm gắt gao vấn đề xử lý lao động trốn ở lại. Họ có đi kiểm tra nhưng phần lớn là hình thức. “Nếu thực sự họ xử lý nghiêm thì nhiều người đã về nước đúng hạn”, anh Quang khẳng định Theo ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), trong năm nay, đối tượng đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc theo diện EPS chỉ thuộc 2 nhóm: Đối tượng đã thi tiếng Hàn năm 2011 - 2012 và những lao động về nước đúng hạn (lao động trung thành). Tổng số chỉ tiêu của hai nhóm đối tượng này khoảng 7.000 lao động. Từ đầu năm tới nay, đã có 873 lao động được đi xuất khẩu.Tiếp tục các giải pháp đồng bộ Việc nhiều lao động bỏ trốn ở lại đã ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu lao động Việt Nam sang Hàn Quốc thời gian qua. Cụ thể, chương trình này đã bị tạm dừng vào năm 2012 để cả 2 nước triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn. Nhờ những nỗ lực của Việt Nam giảm tỷ lệ bỏ trốn ở lại từ 59% xuống còn 40%, thậm chí có thời điểm là 31%; nên cuối năm 2013, hai nước đã gia hạn lần 1 chương trình hợp tác và cuối năm 2014 tiếp tục ký biên bản gia hạn lần 2. “Nhưng tình trạng này vẫn khá bấp bênh vì nếu chúng ta không làm mạnh, giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống, phía Hàn Quốc sẽ sẵn sàng dừng chương trình hợp tác ngay”, một đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết. Phía Hàn Quốc yêu cầu tỷ lệ bỏ trốn phải đạt mức 30%, trong khi hiện nay vẫn đang bấp bênh giữa con số 30 - 40% tùy theo thời điểm. Về phía các cơ quan chức năng Việt Nam, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, một loạt các giải pháp đồng bộ đã và đang tiếp tục được triển khai. Cụ thể, Việt Nam đã triển khai các giải pháp như tuyên truyền cho người lao động trước khi đi xuất khẩu; yêu cầu có tiền ký quỹ; xử lý vi phạm hành chính; thông tin minh bạch về số tiền phải đóng gồm chi phí làm thủ tục 630 USD và 500 USD ký quỹ bảo hiểm cho phía Hàn Quốc... Đồng thời, các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho các lao động từng đi xuất khẩu tại Hàn Quốc, có sự tham gia của các doanh nghiệp hai phía. Đối với lao động sắp hết hạn về nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương vận động gia đình tuyên truyền lao động về nước đúng hạn. Những giải pháp này thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, theo ông Nam, để giảm tỷ lệ lao động hết hạn không về nước, rất cần sự hợp tác từ phía nước sở tại. Hàn Quốc cũng có quy định về xử lý lao động bất hợp pháp, đặc biệt là xử phạt nặng chủ lao động nhưng cơ quan chức năng nước này lại không triển khai thực hiện gắt gao. Mới đây, Bộ Tư pháp Hàn Quốc có thông báo thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, phía Việt Nam đang đề nghị Đại sứ quán của ta tại Hàn Quốc xác minh xem đây là giải pháp của riêng Bộ Tư pháp hay là của Chính phủ Hàn Quốc. “Nếu giải pháp này được triển khai từ cấp Chính phủ Hàn Quốc thì cần có thông tin từ phía Bộ Lao động Hàn Quốc để Bộ LĐTBXH Việt Nam có kiến nghị chính sách phù hợp, trong đó có việc gia hạn xử phạt theo Nghị định 95”, ông Tống Hải Nam cho biết.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm