Lào Cai tập trung giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Ngày hội việc làm năm 2022 tại huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai). Ảnh: baolaocai.vn
Ngày hội việc làm năm 2022 tại huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai). Ảnh: baolaocai.vn

Những ngày đầu năm Nhâm Dần, nhờ chính sách mở cửa kinh tế, thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 của Chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lào Cai đã đồng loạt tăng tốc phục hồi sản xuất. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cũng đang tăng lên, nhất là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Ngay từ đầu năm 2022, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác định hướng, tuyên truyền giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho người dân.

Lào Cai tập trung giải quyết việc làm cho lao động địa phương ảnh 1Ngày hội việc làm năm 2022 tại huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai). Ảnh: baolaocai.vn

Kết nối 50 phiên giao dịch việc làm

Năm 2022, Lào Cai phấn đấu tổ chức 50 phiên giao dịch việc làm và đặt mục tiêu đảm bảo 100% lao động có nhu cầu tìm việc đều được tiếp cận các thông tin tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, các dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chỉ tính riêng dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, địa bàn huyện Bảo Thắng có trên 3.500 lao động đã trở về địa phương. Tính đến hết tháng 2/2022, trên 2.000 người đã quay trở lại các công ty doanh nghiệp làm việc. Hiện toàn huyện còn khoảng hơn 1.200 người lao động chưa tìm được việc làm mới. Trong bối cảnh đó, ngay sau dịp nghỉ Tết, UBND huyện Bảo Thắng đã tổ chức Ngày hội việc làm năm 2022, thu hút gần 200 người trong độ tuổi lao động tham gia cùng đại diện 7 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lào Cai. Ngay tại Ngày hội, 56 người trong độ tuổi lao động đã đủ điều kiện, hoàn thành hồ sơ được tuyển dụng vào làm tại các công ty trong và ngoài nước; trong đó có 17 hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Singapore và Nhật Bản. Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu định hướng nghề nghiệp giới thiệu việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu giải quyết việc làm cho 9.000 lao động.

Trước đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Babeeni Việt Nam đã có buổi làm việc với huyện Bát Xát về công tác tuyển dụng lao động nông thôn. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bát Xát Nguyễn Đức Bình cho biết, dự kiến ngày 1/5/2022, Công ty Babeeni Việt Nam sẽ khánh thành Nhà máy Sản xuất hàng may, thêu xuất khẩu tại Khu công nghiệp Đông Phố Mới, Lào Cai với nhu cầu tuyển dụng trên 600 công nhân làm việc chuyên ngành may - thêu. Các lao động chưa có tay nghề sẽ được đào tạo nghề may xuất khẩu và được Công ty cấp Chứng chỉ nghề sau khi kết thúc khóa đào tạo. Trong toàn bộ quá trình học tập và làm việc, người lao động được Công ty bố trí chỗ ăn, nghỉ và trả lương theo khả năng, năng lực. Kết thúc khóa đào tạo, người lao động sẽ được tuyển dụng vào làm việc tại nhà máy ở Lào Cai. Đây là cơ hội cho người lao động ở Bát Xát nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai nói chung có việc làm ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại Ngày hội việc làm năm 2022 của huyện Si Ma Cai, 171/393 người trong độ tuổi lao động tham gia đã đủ điều kiện, hoàn thành hồ sơ được tuyển dụng vào làm tại các công ty. Cả hai vợ chồng chị Giàng Thị Mỷ, thôn Mù Chèng Phìn, xã Cán Cấu đều tham gia đăng ký và được tuyển dụng vào làm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Seo Tech (Bắc Ninh). Chị phấn khởi chia sẻ: “Ở nhà chỉ làm nông, thu hoạch không được nhiều, hai vợ chồng nếu cùng đi làm thì có thu nhập khá hơn".

Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai Trương Hồng Trường cho biết, trong năm 2022, ngoài việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm sẽ phối hợp với các ban, ngành, địa phương tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như: đưa tin trên truyền hình, loa phát thanh, cổng thông tin điện tử, các hình thức quảng cáo nơi công cộng, Zalo, Facebook... để người lao động biết thông tin chính xác đăng ký quay lại thị trường lao động làm việc; đồng thời, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tuyển dụng lao động để phòng tránh thiệt hại cho người lao động.

Phấn đấu tạo việc làm cho trên 13.000 lao động

Năm 2021, Lào Cai giải quyết việc làm cho hơn 12.000 người lao động. Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho trên 13.000 lao động, trong đó có khoảng trên 6.000 lao động nữ; 1.800 lao động được giải quyết việc làm thông qua vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm; phấn đấu đưa ít nhất 6.000 lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp trong nước; 200 lao động đi xuất khẩu lao động; tỷ lệ thất nghiệp dưới 1,2%. Địa phương tập trung giải quyết việc làm bền vững cho người lao động, trọng tâm là lao động khu vực nông thôn và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã biên giới; chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động và thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Theo Kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động tỉnh Lào Cai năm 2022, để đạt được các mục tiêu trên, địa phương sẽ xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, sản xuất an toàn phù hợp với từng địa phương nhằm tạo việc làm tốt, thu nhập ổn định cho người lao động, qua đó đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo. Lào Cai đặt mục tiêu mỗi địa phương có ít nhất từ 2 - 4 mô hình, dự án/huyện/năm thu hút và tạo việc làm mới cho người lao động. Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên, bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thông qua vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai Trương Hồng Trường cho biết, đơn vị đang tham mưu với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh… Đồng thời, chủ động liên hệ, kết nối, phối hợp với 10 - 20 doanh nghiệp ngoài tỉnh tuyển dụng lao động với số lượng lớn, có môi trường làm việc tốt, lương và các chế độ phúc lợi ổn định vào tỉnh tuyển lao động địa phương.

Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt hơn 65%; trên 493.000 lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm, trong đó 66% lao động là người dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn này, tỉnh đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ với trên 20.000 lao động từ lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Đinh Văn Thơ, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, ưu tiên đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ các dự án phát triển kinh tế của tỉnh và địa phương; bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động, quan tâm giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động vùng giải phóng mặt bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm