Lào Cai: Nỗ lực tạo sinh kế cho lao động trở về từ vùng dịch

Giờ học của cô và trò trường mầm non A Lù (Bát Xát). Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Giờ học của cô và trò trường mầm non A Lù (Bát Xát). Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số người đi làm ăn xa trở về các địa phương trong tỉnh Lào Cai tăng đột biến. Kể từ khi bùng dịch đến nay, trên 13.000 người đã trở về, trong đó có rất đông là người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn và khu vực biên giới. Vì vậy, ngoài việc bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian cách ly, vấn đề tạo việc làm cho những lao động này đang được chính quyền Lào Cai quan tâm.

Nhu cầu hỗ trợ để ổn định cuộc sống

Bát Xát là huyện vùng cao, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai, có 16 xã khu vực III với 142 thôn đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm trên 84% dân số. Trong đó, số đồng bào đi lao động tại Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương, Vĩnh Phúc… khá lớn, với gần 3.000 người. Những tháng qua, dịch bệnh bùng phát, người lao động mất việc, cuộc sống càng khó khăn nên toàn huyện có 672 lao động trở về từ vùng dịch. Riêng xã vùng cao A Lù, huyện Bát Xát có 176 lao động.

Trước khi dịch xảy ra, anh Thào A Lử (ở thôn Séo Phìn Chư, xã A Lù, huyện Bát Xát) đi làm phụ xe dưới Hà Nội. Anh nghỉ việc gần 4 tháng qua, cuộc sống vốn đã vất vả nay càng khó khăn hơn. Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến lao động địa phương đi làm ngoại tỉnh mà còn tác động không nhỏ đến những cư dân sinh sống, làm việc khu vực biên giới. Anh Thào A Súa, cùng ở thôn Séo Phìn Chư, làm bốc vác ở Cửa khẩu quốc tế Lào Cai; từ khi dịch bùng phát, anh mất việc trở về quê.

Anh Giàng Seo Giống sang bên kia biên giới làm nghề xây dựng, mỗi tháng thu nhập từ 20-30 triệu đồng, gửi về gia đình để chăm lo nhà cửa và nuôi vợ con. Từ khi dịch xuất hiện, anh trở về quê. Với tay nghề sẵn có, anh Giống đã tích cực lao động, kiếm việc tại địa phương, tuy nhiên do giãn cách, công việc kiếm được cũng chỉ nhỏ giọt, cầm chừng. "Hơn 1 năm nay, không thể đi làm, bao nhiêu tiền dành dụm đều dùng trang trải sinh hoạt, chỉ mong được về nhà. Nay về rồi, tôi cũng không biết sắp tới sẽ làm công việc gì mà lo cho gia đình”, anh Giàng Sao Giống bộc bạch.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Đinh Văn Thơ cho biết, có khoảng hơn 26.000 công dân của tỉnh đi làm việc, sinh sống, học tập... tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Kể từ khi bùng dịch đến nay, khoảng 13.000 công dân Lào Cai đã trở về địa phương, trong đó số người trong độ tuổi lao động là khoảng hơn 8.000. Qua thống kê của các địa phương, trong số lao động đã trở về có khoảng 50% số lao động đã chuyển đổi sang làm nông nghiệp; 20% số lao động đã tìm kiếm, có việc làm; còn lại gần 3.000 lao động đang không có việc, thiếu việc làm. Qua rà soát sơ bộ, 100% số lao động trở về địa phương có nhu cầu hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống, 50% có nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm.

Lào Cai: Nỗ lực tạo sinh kế cho lao động trở về từ vùng dịch ảnh 1Giờ học của cô và trò trường mầm non A Lù (Bát Xát). Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Trao “cần câu” cho người hồi hương

Lào Cai xác định để giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho những người trở về từ vùng dịch, cách tốt nhất, nhanh nhất vẫn là tạo “cần câu” cho họ ngay tại quê nhà. Các lớp học nghề, các dự án sản xuất nông, lâm nghiệp đang triển khai tại các xã vùng cao, biên giới khó khăn được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội học tập và việc làm cho lao động địa phương.

Lớp học nghề xây dựng do Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện Bát Xát khai giảng tại xã A Lù từ cuối tháng 9/2021 có 35 học viên, chủ yếu đến từ hai thôn Khoa San Chải và Séo Phìn Chư, trong đó 50% học viên là lao động trở về từ vùng dịch. Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề Bát Xát Đỗ Văn Cảnh cho biết, dự kiến sau khi kết thúc khóa học, lớp sẽ thành lập các tổ thợ xây dựng và Trung tâm sẽ giới thiệu việc làm cho lực lượng này ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đây là ngành nghề hiện tại có nhiều nhu cầu việc làm với thu nhập từ 5-7 triệu/tháng.

Chuẩn bị phương án cho tình hình dịch diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện Bát Xát đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho người lao động. Đến nay, Bát Xát mở được 9 lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm mới cho hơn 600 lao động; giải ngân nguồn vốn vay 26 tỷ đồng tạo việc làm cho người lao động với 520 người được vay vốn. Trong năm, huyện Bát Xát đã tổ chức 34 phiên giao dịch việc làm, tạo việc làm mới cho 160 lao động. Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát Sùng Hồng Mai cho biết, huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án chăn nuôi ngựa sinh sản, chăn nuôi lợn bản địa, cá nước lạnh, các dự án cây ăn quả... nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, trong đó ưu tiên người trở về từ các vùng dịch.

Huyện Bắc Hà có hơn 3.700 lao động làm việc ngoài tỉnh, trong đó có 745 người đã trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Huyện đang đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động gắn với khai thác lợi thế nông nghiệp địa phương.

Anh Tẩn Seo Đài ở thôn Pù Chù Ván, xã Tả Văn Chư, đi làm việc tại tỉnh Bình Dương được hơn 1 năm. Dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp dừng hoạt động, mất việc, anh Đài quyết định trở về quê. Gia đình anh được hỗ trợ vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi. Xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà hiện có trên 90 lao động trở về từ các vùng dịch không có việc làm. Để giúp lực lượng này nhanh chóng ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó đưa ra các giải pháp, phương án hỗ trợ phù hợp. "Những gia đình thiếu công lao động trong dịp sản xuất, xã sẽ huy động lực lượng thanh niên, tổ chức hội hỗ trợ. Hộ nghèo và hộ cận nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, dựa theo nguyện vọng của công dân", ông Bùi Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà cho biết thêm.

Hành trình trở về quê của đồng bào các dân tộc Lào Cai chưa dừng lại. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lào Cai, Sở tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm và vay vốn đối với lao động bị mất việc làm trở về địa phương do ảnh hưởng bởi dịch; tuyên truyền, truyền thông, tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề miễn phí đối với những lao động bị mất việc làm trở về địa phương để tiếp tục tham gia thị trường lao động; tăng cường liên kết với các tỉnh để tư vấn, giới thiệu việc làm ổn định và đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang...

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm