Lào Cai đầu tư gần 4.000 tỷ đồng cho phát triển giáo dục

Học sinh lớp 12 trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Học sinh lớp 12 trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Lào Cai dành 3.948 tỷ đồng để đầu tư xây dựng và xóa xong phòng học tạm, cơ bản đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất và xây dựng các chính sách cho phát triển sự nghiệp giáo dục.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Dương Bích Nguyệt cho biết, tỉnh ưu tiên nhiều nguồn lực để phát triển giáo dục, đáp ứng tốt nhất các điều kiện học tập, môi trường giáo dục cho học sinh. Địa phương đã quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, phát triển quy mô giáo dục như: Sáp nhập điểm trường, xóa điểm trường lẻ trên nguyên tắc đảm bảo khoảng cách cho học sinh đi đến trường và trở về nhà theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đến nay, Lào Cai đã sáp nhập 145 trường, giảm 76 trường; sáp nhập 232 điểm trường lẻ mầm non với tiểu học, xóa 92 điểm trường; đưa được 19.380 học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính (so với năm 2015 trước khi thực hiện quy hoạch). Việc thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường lớp đã giúp Lào Cai tiết kiệm được 1.151 lớp, khoảng 1.800 giáo viên và cán bộ quản lý.

Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, cơ sở vật chất trường, lớp học được ưu tiên đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa; trường, lớp học sạch, đẹp, từng bước hiện đại từ vùng thấp đến vùng cao, thôn, bản. Một số trường học được đầu tư xây dựng mới khang trang, hiện đại như cụm trường học ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai; các trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bảo Yên, Bát Xát...

Nhờ các chính sách đầu tư cho phát triển giáo dục, tỷ lệ phòng học kiên cố của Lào Cai hiện đạt 74,5% (tăng 10,5% so với năm 2015), cơ bản đảm bảo học 2 buổi/ngày. Cùng với đó, chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc và rõ rệt từ vùng thấp đến vùng cao. Số trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục tăng với 390 trường, đạt 64,7%.

Mặc dù cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng cao. Tình trạng thiếu phòng học, phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ, nhà công vụ giáo viên, nhà ở bán trú cho học sinh vẫn tồn tại. Nguyên nhân là do quy mô học sinh tăng nhanh trong khi diện tích đất của nhiều trường còn chật hẹp. Hơn nữa, công tác xã hội hóa giáo dục về tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học ở vùng cao còn hạn chế do đời sống nhân dân vùng cao còn nhiều khó khăn.

Để từng bước khắc phục các khó khăn đó, Lào Cai tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. "Trong đó, địa phương tập trung tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp chi tiết, cụ thể đến từng lớp, từng thôn, bản; tăng số học sinh/lớp để tập trung đầu tư; gắn sắp xếp trường, lớp với thực hiện tinh, giản biên chế, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện", bà Dương Bích Nguyệt nhấn mạnh.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm