Lạng Sơn xây dựng mô hình hợp tác xã chế biến theo chuỗi giá trị

Lạng Sơn xây dựng mô hình hợp tác xã chế biến theo chuỗi giá trị

Dịch COVID-19 kéo dài đang làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tỉnh đang chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình hợp tác xã điểm sản xuất nông nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị. Điều này nhằm tạo điều kiện để hợp tác xã đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường để sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân, đẩy mạnh phong trào thi đua trong các hợp tác xã.

Lạng Sơn xây dựng mô hình hợp tác xã chế biến theo chuỗi giá trị ảnh 1 Na Chi Lăng (Lạng Sơn) rất nổi tiếng trong cả nước, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Khó chồng khó

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn, tỉnh hiện có 386 hợp tác xã với 4.550 thành viên. Doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt 500 triệu đồng. Do tác động của dịch COVID-19, Lạng Sơn phải áp dụng các biện pháp phong tỏa đối với các khu vực có ca lây nhiễm. Vì vậy, việc hạn chế đi lại giữa các vùng trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương khác khiến cho nguồn hàng, nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh và giao thương hàng hóa của các hợp tác xã.

Cùng với đó, các biện pháp giãn cách xã hội khiến cho nhu cầu về tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã bị ảnh hưởng mạnh. Có hợp tác xã sản xuất ra nhưng không bán được sản phẩm, không có doanh thu làm ảnh hưởng đến khả năng trả lương cho người lao động cũng như các hoạt động tài chính khác. Đáng chú ý, nhiều hợp tác xã sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn đã ngừng hoạt động.

Mặc dù, nhà nước đã có chính sách kịp thời như giãn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vốn vay…. cho các hợp tác xã nhưng do quy mô sản xuất của các hợp tác xã nhỏ, lẻ nên hầu hết các hợp tác xã sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, sản lượng cung ứng ra thị trường ước giảm từ 10-15%, có hợp tác xã giảm từ 30- 40%; giá bán các sản phẩm ước giảm 20%, một số sản phẩm giảm tới 50% như: giá rau, ớt, hoa qủa các loại, gia cầm, gà, vịt… so với thời điểm trước dịch COVID-19.

Các hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp hoạt động cầm chừng, không đạt được chỉ tiêu về doanh thu so với kế hoạch đã đề ra. Tiêu biểu như trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, việc thành lập các chốt kiểm dịch liên ngành đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, song lại làm tăng thời gian vận chuyển của các phương tiện chở hàng xuất khẩu vì phải dừng, đỗ thực hiện thủ tục liên quan.

Tỉnh Lạng Sơn có 4/12 cửa khẩu gồm: Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Ga Đường sắt Đồng Đăng, Cửa khẩu Quốc gia Chi Ma, Cửa khẩu phụ Tân Thanh đang thông quan hàng hóa, các cửa khẩu phụ khác vẫn tạm thời ngừng hoạt động để đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Việc này làm ảnh hưởng tới hiệu suất thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thực tế, tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều doanh nghiệp đối tác phía Trung Quốc cắt giảm đơn hàng vì lo ngại việc hàng hóa có mầm bệnh, nhất là đối với hàng lạnh. Từ đầu năm, nhiều mặt hàng như ớt quả tươi, vải, thanh long... đều gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, tác động gián tiếp đến hoạt động của hợp tác xã trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, dịch vụ, vận tải.

Cùng với đó, các hợp tác xã đều khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi và các chế độ ưu đãi đặc biệt khác... do có một số chính sách không quy định hợp tác xã thuộc phạm vi điều chỉnh hoặc thuộc diện điều chỉnh.

Ngoài ra, các hợp tác xã cũng chưa được thụ hưởng đầy đủ chính sách của nhà nước về ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hỗ trợ dịch bệnh COVID-19 do nguồn ngân sách địa phương, chính sách, đối tượng chưa quy định cụ thể. Hay, do tiêu chuẩn còn quá cao, thủ tục phức tạp, không sát thực tiễn và chưa phù hợp với điều kiện, nhu cầu của các hợp tác xã. Việc tiếp cận vốn vay gặp nhiều khó khăn do hợp tác xã còn nhỏ lẻ, thiếu năng lực, thiếu tài sản đảm bảo…

Để phát triển bền vững

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà, trước tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể kéo dài, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, chủ động nắm bắt những thông tin, vướng mắc của các hợp tác xã để có giải pháp khắc phục kịp thời.

UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình hợp tác xã điểm sản xuất nông nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị nhằm tạo điều kiện để hợp tác xã đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường để sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân, đẩy mạnh phong trào thi đua trong các hợp tác xã.

Đặc biệt, tỉnh tập trung phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa. Qua đó, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường; đẩy mạnh hỗ trợ để nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Cùng đó, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ các hợp tác xã tích cực tham gia các chương trình phát triển hợp tác xã của Trung ương và địa phương.

Ngoài ra, tỉnh khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư cở sở hạ tầng, liên kết sản xuất, kinh doanh với các hợp tác xã để thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng tiêu thụ sản phẩm. Song song đó, cung ứng dịch vụ phục vụ thành viên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thành viên, hỗ trợ thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động sản xuất ổn định, duy trì trong điều kiện dịch COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp.

Về phía tỉnh đề nghị xem xét hỗ trợ việc miễn nộp lãi suất vay vốn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; khuyến công, khuyến nông; ban hành các gói tín dụng ưu đãi cho các hợp tác xã vay để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất ngay sau khi hết dịch. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên hỗ trợ, giúp các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi khi hợp tác xã có nhu cầu vay vốn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và có giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa.

Thời gian tới, để phát triển bền vững kinh tế tập thể, hợp tác xã, tỉnh Lạng Sơn cũng kiến nghị các bộ, ngành cần nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn phù hợp với điều kiện thực tế; đồng bộ hóa các văn bản luật liên quan đến phát triển kinh tế tập thể như đất đai, thuế, tín dụng,... các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cần được quy định chi tiết, cụ thể, có tính khả thi để các đối tượng thụ hưởng dễ tiếp cận.

Thái Thuần

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm