Lạng Sơn tăng hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể từ chính sách ưu đãi

Đoàn công tác của UBND tỉnh Lạng Sơn đi thăm, kiểm tra việc nuôi giun quế làm thức ăn cho ba ba, cá tại Hợp tác xã Yên Phát (thôn Yên Thủy II, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc). Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Đoàn công tác của UBND tỉnh Lạng Sơn đi thăm, kiểm tra việc nuôi giun quế làm thức ăn cho ba ba, cá tại Hợp tác xã Yên Phát (thôn Yên Thủy II, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc). Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lạng Sơn, mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu, song khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã của tỉnh Lạng Sơn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp vào GRDP còn thấp so với các khu vực kinh tế khác.

 Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, xác định vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và cụ thể hóa, đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Lạng Sơn tăng hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể từ chính sách ưu đãi ảnh 1 Đàn gà của Hợp tác xã Yên Phát, thôn Yên Thủy II, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc với quy mô 3.000 con. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Bên cạnh đó, xác định đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một trong những nội dung quan trọng trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp địa phương. Ngoài ra, tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân trong việc vận động, giáo dục quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia và thực hiện các quy định pháp luật về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cùng đó, quan tâm củng cố và phát triển tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Đảng trên cơ sở tôn trọng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Theo Tỉnh ủy Lạng Sơn, phần lớn hợp tác xã quy mô nhỏ, kỹ thuật, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, phát triển chưa đồng đều giữa các huyện, thành phố và lĩnh vực; năng lực nội tại và sức cạnh tranh còn yếu, hạn chế khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư, sản xuất, kinh doanh, chưa gắn kết chặt chẽ lợi ích giữa hợp tác xã với các xã viên; khả năng tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại của hợp tác xã còn hạn chế, chủ yếu dựa vào tài sản của hợp tác xã nên khó đảm bảo các quy định trong thế chấp vay vốn ngân hàng, hợp tác xã không được coi là một loại hình doanh nghiệp.

Trước những khó khăn đó, tỉnh Lạng Sơn luôn khuyến khích việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư vốn cho những dự án, đề tài có hiệu quả thiết thực; trợ giá cước vận tải, giống cây trồng, vật nuôi để đẩy mạnh sản xuất và lưu thông hàng hóa; tăng cường hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, áp dụng mã số mã vạch nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tỉnh.

Đến nay, tỉnh đã có 7 hợp tác xã được cấp vốn hỗ trợ đổi mới khoa học - công nghệ với số tiền 410 triệu đồng; 3 hợp tác xã được hỗ trợ tổ chức tập huấn kỹ thuật với số tiền 110 triệu; hỗ trợ 8 dự án khuyến công với tổng số tiền hỗ trợ là 540 triệu đồng.

Tỉnh Lạng Sơn cũng đã triển khai xây dựng 51 mô hình sản xuất nông nghiệp với 48 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác tham gia áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo hướng an toàn, chất lượng cao, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Lạng Sơn tăng hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể từ chính sách ưu đãi ảnh 2 Đoàn công tác của UBND tỉnh Lạng Sơn đi thăm, kiểm tra việc nuôi giun quế làm thức ăn cho ba ba, cá tại Hợp tác xã Yên Phát (thôn Yên Thủy II, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc). Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Mô hình điểm liên kết tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã, mô hình chuỗi giá trị … với tổng kinh phí triển khai khoảng 13,3 tỷ triệu đồng từ các nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng 19 mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chủ lực tại 19 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh với hơn 6 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2012 - 2021, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện cho 34 lượt hợp tác xã vay vốn, với tổng số tiền là 9,8 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam đã thực hiện cho 1 hợp tác xã vay vốn, với tổng số tiền là 4 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn, hàng năm, tỉnh Lạng Sơn đều phân bổ ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông nông thôn, thủy lợi, nạo vét kênh mương, điện, nước, trạm bơm điện từ các nguồn vốn. Điều này nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã.

Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Lạng Sơn đã bố trí vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã khoảng 40 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 19,15 tỷ đồng, ngân sách tỉnh khoảng 20 tỷ đồng. Các hợp tác xã trên địa bàn luôn được tỉnh Lạng Sơn xem xét ưu đãi miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp.... Đối với các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của hợp tác xã khi xuất khẩu được áp dụng thuế giá trị gia tăng 0%.

Ở khâu kinh doanh thương mại hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì không phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng; thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông giảm từ 22% xuống 20% từ ngày 01/01/2016. Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.

Thái Thuần

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm