Lạng Sơn quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP

Ngày 19/8, tại chợ Nông sản thị trấn Chi Lăng, Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn tổ chức chương trình quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng.

Lang Son quang ba, tieu thu na va cac san pham OCOP hinh anh 1Chủ tịch UBND huyên Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn Vi Nông Trường phát biểu tại chương trình Ảnh: Quang Duy – TTXVN

Chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu đặc sản na Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn và các sản phẩm OCOP tới thị trường trong và ngoài nước; thúc đẩy phong trào trồng na và các sản phẩm nông sản nông nghiệp trong nhân dân theo quy trình quản lý tiên tiến. Đây cũng là dịp kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản na Chi Lăng theo hướng phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Vi Nông Trường cho biết, với sự cần cù lao động của bà con nông dân, cùng những giúp đỡ của các nhà khoa học, đến nay các xã vùng núi đá của huyện Chi Lăng đã phát triển thành công các vùng trồng na xanh tốt, với tổng diện tích hơn 2.500 ha, sản lượng đạt trên 22.000 tấn quả, giá trị kinh tế ước đạt trên 700 tỷ đồng/năm.

Lang Son quang ba, tieu thu na va cac san pham OCOP hinh anh 2Na Chi Lăng – đặc sản của mảnh đất Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy – TTXVN

Nhờ phát triển cây na, nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm; nhiều thôn bản từ nghèo khó nay đã có 60-70% hộ giàu. Qua đó, tạo được sức bật mới về phát triển kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới với nét đặc trưng riêng có của Chi Lăng.

"Sự kiện quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng có ý nghĩa hết sức quan trọng để tuyên truyền, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp địa phương, giúp người nông dân địa bàn và các doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất và đạt lợi nhuận cao nhất, hướng tới mục tiêu Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số", Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Vi Nông Trường cho biết thêm.

Hiện nay, huyện Chi Lăng có 8/8 xã trọng điểm trồng na đã về đích trong xây dựng nông thôn mới. Bằng nghị lực, sự sáng tạo, cần cù chịu khó và khát vọng, người dân Chi Lăng đã biến khó khăn thách thức thành cơ hội, khai thác được vị ngọt của trái nà. Tổng diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đạt 740 ha, có 4 sản phẩm na Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Thương hiệu Na Chi Lăng đến nay đã được thị trường trong nước biết đến, được phân phối trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn, với xu hướng ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi những đặc tính, ưu điểm riêng biệt.

Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Na Chi Lăng" cho sản phẩm na quả của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Đặc sản "Na Chi Lăng" của tỉnh Lạng Sơn được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam. Thương hiệu Na Chi Lăng được Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh, trao giải thưởng cúp vàng và chứng nhận đạt Top 10 Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2018, 2019.

Lang Son quang ba, tieu thu na va cac san pham OCOP hinh anh 3Gian hàng giới thiệu quảng bá Na và các sản phẩm OCOP huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy – TTXVN

Trong những năm qua, huyện Chi Lăng luôn chú trọng việc xây dựng hình ảnh na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP như: tổ chức các hội chợ thương mại, giới thiệu nông sản; tổ chức các hội thảo truyền thông về thương hiệu na Chi Lăng... Đặc biệt, trước những biến chuyển mạnh mẽ của thời kỳ công nghệ 4.0, chuyển đổi số, kinh tế số, người nông dân trên mảnh đất núi đá Chi Lăng đã bắt kịp xu thế công nghệ trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã có nhiều gian hàng nông sản trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…

Tại Chương trình, Ban Tổ chức đã tiến hành bán đấu giá những trái na đặc biệt của vùng. Số tiền thu về sẽ được sử dụng vào công tác an sinh xã hội, xây cầu dân sinh tại các xã khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Nguyễn Quang Duy

Tin liên quan

Khai mạc Lễ hội "Võ Nhai mùa na chín"

Tối 11/8, Lễ hội "Võ Nhai mùa na chín" đã khai mạc với chùm hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023.


Lạng Sơn khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, vươn lên làm giàu

Cần hỗ trợ, ban hành nhiều hơn các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích phụ nữ, nhất là chị em ở vùng đặc biệt khó khăn khởi nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu. Đây là ý kiến được đưa ra tại Diễn đàn “Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm thành công”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn tổ chức chiều 10/8.


Gia tăng giá trị trái na Đông Triều

Vùng sản xuất na lớn nhất khu vực phía Bắc tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đang bước vào thu hoạch. Với vị thơm ngon, quả to, mẫu mã đẹp cho giá trị kinh tế cao, na là cây trồng chủ lực nâng cao đời sống, thu nhập cho hàng nghìn hộ dân Đông Triều. Tuy nhiên để trái na đến với nhiều khách hàng và không rơi vào cảnh bị thương lái ép giá, đang là vấn đề được địa phương này quan tâm. Tìm chiến lược thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao chất lượng của na được xác định là các yếu tố quan trọng để đưa na Đông Triều trở thành thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến và đón nhận.



Đề xuất