Lạng Sơn đổi mới trưng bày tại bảo tàng nhằm thu hút khách tham quan

Lạng Sơn đổi mới trưng bày tại bảo tàng nhằm thu hút khách tham quan
Các em học sinh người dân tộc thiểu số tham quan gian trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN phát
Các em học sinh người dân tộc thiểu số tham quan gian trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN phát
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn Nông Đức Kiên cho biết: Nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động để thu hút khách tham quan, Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức triển lãm, giới thiệu các đề tài chuyên sâu, hấp dẫn nhằm thu hút người xem như: Triển lãm chuyên đề “Miền đất, con người Lạng Sơn cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX”, triển lãm “Di sản văn hóa các dân tộc Lạng Sơn” (năm 2018); Triển lãm “Cổ vật nơi miền biên ải” (năm 2019)… giúp công chúng có cái nhìn sâu hơn về đời sống, sinh hoạt của cư dân các dân tộc Xứ Lạng. Các sưu tập hiện vật tại Bảo tàng thường xuyên được thay đổi, chỉnh lý, bổ sung để luôn tạo cảm giác mới mẻ, hấp dẫn, tránh sự đơn điệu, nhàm chán đối với khách. Định kỳ hàng năm, trong hơn 1.000 hiện vật đang được trưng bày tại tầng 2 và tầng 3 của Bảo tàng sẽ có từ 100 – 200 hiện vật được chỉnh lý, bổ sung và thay mới. Các hiện vật được trưng bày đáp ứng các chủ đề: Tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản; đặc trưng văn hóa của các dân tộc trong tỉnh; quá trình hình thành và phát triển của tỉnh trong tiến trình lịch sử… Theo đó, các hiện vật gồm: Các mẫu địa chất, khoáng sản; đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động, trang phục; sưu tập hiện vật khảo cổ, các nền văn hóa tiền sử nổi tiếng như Bắc Sơn, Mai Pha… Ngoài ra, phần trưng bày ngoài trời của Bảo tàng được bổ sung phong phú hơn trước với gần 50 hiện vật, vật thể khối lớn như hóa thạch thực vật thời kỳ cổ sinh, xác máy bay của giặc Pháp, súng thần công… Cùng với đó, Bảo tàng còn mở rộng không gian trưng bày, giới thiệu lịch sử, văn hóa Lạng Sơn đến các huyện vùng sâu, vùng xa nhằm phục vụ công chúng, nhất là giới trẻ thông qua những tụ điểm tuyên truyền lưu động định kỳ hoặc nhân những sự kiện chính trị, xã hội.
Các em học sinh nghe thuyết minh tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN phát
Các em học sinh nghe thuyết minh tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn.
Ảnh: TTXVN phát
Trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tàng (Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn) Nguyễn Gia Quyền cho biết: Với phương châm “đưa di sản đến với cộng đồng”, Bảo tàng tỉnh đã chủ động, tích cực đưa di sản đến với công chúng thông qua các chương trình triển lãm lưu động. Trung bình mỗi năm, Bảo tàng tổ chức từ 4 – 5 cuộc triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng, từ  2-3 cuộc trưng bày chuyên đề lưu động tại các xã, huyện nhân dịp lễ hội và các ngày lễ lớn của đất nước. Không dừng lại ở việc giới thiệu các triển lãm đơn thuần, công tác giáo dục truyền thống cho học sinh gắn với các chương trình trải nghiệm theo hướng phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cũng được Bảo tàng chú trọng. Từ năm 2014, Bảo tàng đã tăng cường phối hợp với các trường trên địa bàn tỉnh chiếu các clip, phim về di sản văn hóa lồng ghép với việc tham quan, giới thiệu tại nhà trưng bày. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn còn phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử” tại Nhà trưng bày Bảo tàng. Đồng thời, Bảo tàng cũng mời các nghệ nhân dân gian thực hiện các hoạt động trải nghiệm thực tế, tạo cơ hội cho học sinh từ lứa tuổi mầm non đến đoàn viên, thanh niên tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Nhờ đó, lượng khách đến Bảo tàng tăng dần qua các năm. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm có khoảng 20.000 lượt khách tham quan trưng bày cố định tại Bảo tàng và lưu động ở cơ sở. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Bảo tàng đã thu hút 12.386 lượt khách (tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước). Ông Nông Đức Kiên cho biết, để thu hút đa dạng đối tượng khách tham quan, thời gian tới Bảo tàng tỉnh tập trung đổi mới phương thức phục vụ phù hợp, hiệu quả. Trước mắt, Bảo tàng mở rộng phạm vi hoạt động, đa dạng các chương trình, tour tham quan bảo tàng lồng ghép với các tour tham quan di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh; xây dựng các chương trình tham quan phù hợp; tiếp tục chuyên nghiệp hóa đội ngũ thuyết minh viên thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên ngành như khảo cổ học, lịch sử, dân tộc học.
Ngọc Tùng

Có thể bạn quan tâm