Lạng Sơn đẩy mạnh bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể

Lạng Sơn đẩy mạnh bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể
Nghi lễ cấp sắc tại chính điện cho Then của người Tày xã Xuân Mai, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Ngọc Tùng – TTXVN
Nghi lễ cấp sắc tại chính điện cho Then của người Tày xã Xuân Mai, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Ngọc Tùng – TTXVN

Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tích cực triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua việc nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu. Từ năm 2011 đến nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã lập 3.273 phiếu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Cùng đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thu thập và lưu giữ hơn 3.000 ảnh tư liệu về tập quán xã hội, lễ hội văn hóa ẩm thực của các dân tộc cũng như sưu tầm hơn 200 bài hát dân ca…Qua đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể mai một đã được phục dựng, trở thành di sản đặc sắc như: Nghệ thuật hát then - đàn tính, hát sli của người Tày, Nùng; hát páo dung của người Dao; phục dựng lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn) và lễ hội đền Bắc Lệ, xã Tân Thành (huyện Hữu Lũng).
 
Thầy Tào đọc bài khấn trong nghi lễ cấp sắc cho Then. Ảnh: Ngọc Tùng - TTXVN
Thầy Tào đọc bài khấn trong nghi lễ cấp sắc cho Then. Ảnh: Ngọc Tùng - TTXVN

Nghi lễ gọi hồn tại mộ tổ Then của người Tày xã Xuân Mai, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Ngọc Tùng – TTXVN
Nghi lễ gọi hồn tại mộ tổ Then của người Tày xã Xuân Mai, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Ngọc Tùng – TTXVN

Nhiều hoạt động thiết thực được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức như: Vinh danh, khen thưởng nghệ nhân; có chính sách duy trì, hỗ trợ các câu lạc bộ hát then, đàn tính; mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được khoảng 450 câu lạc bộ văn hóa, thu hút trên 8.500 hội viên tham gia sinh hoạt. Ngoài ra, một số trường học tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Cao Lộc, Chi Lăng cũng đưa hoạt động văn hóa dân tộc vào nội dung sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh. Từ năm 2016 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã mở 10 lớp truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như múa sư tử, hát then, sli, páo dung… cho trên 300 lượt người.

Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Páo, cùng với nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, cần tăng cường tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nhận thức được giá trị di sản văn hóa và tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn và hát dân ca tỉnh Lạng Sơn, Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên cho biết, để bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị loại hình văn hóa phi vật thể, việc gìn giữ ngôn ngữ dân tộc gốc là vô cùng quan trọng. Với nhiều năm kinh nghiệm truyền dạy kỹ năng hát then, đàn tính ở các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh, nghệ sĩ Thủy Tiên cho rằng, hiểu rõ ca từ trong từng câu hát then mới “thấm” được nét hay, nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của đồng bào Tày, Nùng.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Phúc Hà cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chương trình, nghị quyết, văn bản về di sản văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một số loại hình văn hóa phi vật thể; tăng cường xã hội hóa, huy động sức mạnh toàn dân trong bảo tồn di sản văn hóa.

Lạng Sơn hiện có 7 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội đền Kỳ Cùng-Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn); lễ hội Bùng Kham, xã Đại Đồng (huyện Tràng Định); lễ hội Trò Ngô làng Giàng, xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng); lễ hội Phai Lừa, xã Hồng Phong (huyện Bình Gia); nghi lễ then và múa sư tử mèo của người Tày, Nùng./.
Ngọc Tùng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm