Lạng Sơn chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc

Từ đầu tháng 12/2022 đến nay, tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn luôn duy trì nhiệt độ thấp; nhiều khu vực núi cao, núi đá xảy ra hiện tượng rét đậm, rét hại. Để phòng chống đói rét cho gia súc, vật nuôi, nông dân ở vùng cao Lạng Sơn đã chủ động sửa sang chuồng trại, dự trữ rơm dạ cũng như các loại thức ăn khác trong thời gian trước đó.

Vân Thủy là xã nằm xa trung tâm huyện Chi Lăng và là địa phương vào mùa Đông có thời tiết rất lạnh, ảnh hưởng rất lớn đến đàn gia súc vật nuôi. Nhận thấy điều này, bà con nông dân nơi đây đã chủ động gia cố chuồng nuôi, chủ động dự trữ cỏ khô, rơm khô và trồng các loại cỏ bổ sung đảm bảo nguồn thức ăn ổn định, nâng cao tỷ lệ tiêu hóa và đảm bảo sức khỏe cho đàn trâu bò trong mùa rét.

Ông Lý Văn Tý, xã Vân Thủy cho biết, cán bộ xã đã xuống tận thôn xóm để phổ biến các biện pháp phòng chống rét, đói cho gia súc cho bà con. Gia đình ông có 11 con trâu nên rất chú ý vào những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống thấp luôn bổ sung thức ăn để vật nuôi có đủ năng lượng chống rét. Gia đình đã che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa nhất là vào ban đêm…

Chủ tịch Hội nông dân xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thị Thoan cho biết, hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn xã có trên 550 con; trong đó, chủ yếu là trâu 539 con. Chuồng trại của các hộ gia đình luôn được gia cố, 100% các gia đình chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc. Chính từ sự chủ động của bà con trong thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét vào mùa đông nên những năm qua, gia súc trên địa bàn không bị thiệt hại bởi rét đậm rét hại, sinh trưởng và phát triển tốt.

Còn tại xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, nơi luôn có mùa đông khắc nghiệt với nhiệt độ thấp và sương muối thường xuyên xảy ra, chính quyền nơi đây đã tích cực tuyên truyền và khuyến cáo bà con phải đưa gia súc chăn thả trên nương, rừng về nhà; chủ động che chắn chuồng nuôi, quây bạt, bao dứa ở những vị trí bị gió lùa, mưa hắt để đảm bảo chuồng luôn kín gió, vật nuôi không bị dính sương và nước mưa; không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C; đồng thời, khi thời tiết nắng ráo cần tranh thủ vệ sinh để thông thoáng chuồng nuôi.

Ông Triệu Tiến Trường, Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho hay, người dân sinh sống tại xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, qua các cuộc họp thôn bản, vấn đề phòng chống đói rét cho gia súc vật nuôi trong mùa đông luôn được cán bộ xã, người có uy tín thường xuyên truyền đạt đến bà con. Qua đó, ý thức về việc chăn thả, nuôi nhốt vật nuôi trong mùa đông của bà con cũng được nâng lên rất nhiều.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, hiện toàn tỉnh có trên 288.000 con gia súc, tập trung chủ yếu tại các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc, Bắc Sơn…; mùa đông năm 2021 - 2022, toàn tỉnh có hơn 1.190 con gia súc bị chết rét, trong đó chủ yếu là dê và trâu bò dưới 2 tuổi.

Để bảo vệ đàn gia súc, vật nuôi, ngay từ đầu tháng 10/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn ban hành văn bản gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp về phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi.

Theo đó, tích cực tuyên truyền đến người chăn nuôi chủ động gia cố chuồng trại đảm bảo điều kiện vệ sinh và phòng chống đói rét; chủ động sử dụng tốt các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò mùa khô và mùa đông. Mỗi gia đình có một cây rơm, rạ trên cơ sở ước tính bình quân mỗi con trâu, bò một ngày phải có 5-7 kg rơm khô; trồng cỏ, trồng ngô vụ đông, tận dụng phụ phẩm cây công nghiệp chế biến dưới các hình thức để dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn còn thành lập các đoàn công tác để kiểm tra tình hình thực hiện phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi; việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò, lở mồm long móng… cũng như công tác triển khai tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, vật nuôi.

Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố đã chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn hướng dẫn, hỗ trợ thú y viên các xã, thị trấn tuyên truyền người dân các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; di chuyển đàn trâu bò thả rông trên núi, đồi về chỗ nuôi nhốt và có thể kiểm soát được, chuẩn bị và huấn luyện cho ăn bổ sung thức ăn thô, thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi. UBND các xã, thị trấn cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố chuồng trại, tiêm phòng cho đàn gia súc, chú trọng vệ sinh chuồng trại.

Nguyễn Quang Duy

Tin liên quan

Nhiều giải pháp chống đói, rét cho gia súc ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đang phải hứng chịu một mùa đông lạnh giá, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia từ ngày 19/2 đến ngày 23/2 Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng, khu vực vùng núi phía Bắc có khả năng cao xảy ra mưa tuyết và băng giá, nhiệt độ thấp nhất các tỉnh vùng núi, trung du từ 4-6 độ C, khu vực núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ C. Trên thực tế cho thấy, băng tuyết đã xuất hiện nhiều nơi như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang... Điều đó có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của nhân dân; trong đó có chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là việc phòng chống đói rét đối với đàn đại gia súc.


Các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 19 đến 23/2/2022, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng trải qua đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Một số nơi ở vùng núi cao có thể xuất hiện băng giá, mưa tuyết. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp phòng chống rét...


Thay đổi tập quán chăn nuôi, phòng chống đói rét cho trâu bò

Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, có thời điểm nhiệt độ xuống thấp 3 độ C, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không có trâu bò bị chết rét. Để có được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành về việc phòng chống đói rét cho đàn trâu, bò, việc thay đổi trong nhận thức và tập quán chăn nuôi của người dân đã góp phần quan trọng bảo vệ đàn vật nuôi trước các đợt rét đậm rét hại.


Khẩn trương phòng, chống rét nơi vùng cao

Liên tục trong những ngày qua, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường, thời tiết trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung, huyện Vân Hồ nói riêng đã xảy ra rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi và đời sống của nhân dân. Nhằm giảm thiểu thiệt hại, các cấp chính quyền và nhân đân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chủ động trong phòng, chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi.



Đề xuất