Lạng Sơn bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất đá

Đoàn viên, thanh niên giúp dân khắc phục sạt lở do mưa lũ gây ra tại Lạng Sơn. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN
Đoàn viên, thanh niên giúp dân khắc phục sạt lở do mưa lũ gây ra tại Lạng Sơn. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa miền núi của Lạng Sơn, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen làm nhà dưới chân núi. Thậm chí, nhiều hộ lấn đất, tự hạ độ cao của đồi núi để xây dựng những công trình dân dụng phía dưới. Việc làm này đang gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng và tài sản của chính các hộ dân bởi khi có mưa bão, đất đá có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Tại thôn Sài Hồ, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, những trận mưa lớn từ đầu tháng 5 đến nay đã làm 5 ngôi nhà bị đổ sập, nhiều nhà khác bị đất đá vùi lấp một phần, chủ yếu là những ngôi nhà trình tường đã xây dựng lâu năm bị xuống cấp. Ở đây, đa số các hộ làm nhà sát chân núi, taluy dương cao mà không có giật cấp hoặc kè chống sạt lở.

Lạng Sơn bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất đá ảnh 1Đoàn viên, thanh niên giúp dân khắc phục sạt lở do mưa lũ gây ra tại Lạng Sơn. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Tranh thủ thời tiết khô ráo, ông Lành Văn Đào ở thôn Sài Hồ, xã Tân Thành tất bật dọn đống đất đá bị sạt vào nhà sau trận mưa lớn. Những người trong gia đình ông vẫn chưa hết bàng hoàng bởi sau tiếng động lớn, hàng chục khối đất đá bất ngờ từ trên đồi cao sạt xuống phía sau nhà, bùn đất cùng nước mưa tràn lấp gây nhiều thiệt hại cho gia đình. Ông Lành Văn Đào cho biết, taluy đằng sau nhà rất cao nên không tránh khỏi đất sạt trượt xuống khi có mưa. Gia đình biết làm nhà như vậy là nguy hiểm nhưng chưa có biện pháp nào hiệu quả, chỉ có thể khắc phục dần dần mỗi khi đất sạt.

Sinh sống dưới chân núi cao, mỗi khi trời mưa to về đêm, gia đình chị Triệu Thị Hiệu ở thôn Sài Hồ không ai dám ngủ. Chị Hiệu cho hay, đợt mưa vừa qua, đất đá đổ ụp xuống sau nhà đã khiến bể nước, téc nước, máy cày của gia đình bị vùi lấp, nhà vệ sinh và một số công trình khác bị hư hại không nhỏ.

Thực tế, tình trạng tự ý san ủi đất đồi để xây dựng nhà ở vùng nông thôn, miền núi Lạng Sơn diễn ra rất phổ biến. Nhiều hộ dân san ủi khi chưa tiến hành thăm dò địa chất; xây dựng nhà ở, công trình sát vào taluy dương, không có thiết kế đường rẽ nước theo sườn núi. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở, vùi lấp công trình, nhà ở mỗi khi có mưa lớn dài ngày.

Ông Lương Văn Cai, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Cao Lộc cho biết, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền đến người dân về nguy cơ sạt lở, vận động bà con tránh trú đến những nơi an toàn. Tuy nhiên, xã còn khoảng 30 hộ khó khăn nên chưa thể di dời. Với việc xây dựng nhà cửa và công trình dân sinh dưới chân đồi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, chính quyền xã thường xuyên nắm bắt tình hình, giám sát và nhắc nhở.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh có hàng nghìn điểm có nguy cơ sạt lở đất. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chính quyền các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng phương án để ứng phó với những tình huống bất thường.

Để nâng cao khả năng ứng phó, xử lý khi thiên tai xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại, chính quyền từ cấp tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đã triển khai công tác chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ”. Tuy nhiên, ở những địa bàn vùng đồi núi xa xôi, mỗi hộ dân cần tự nâng cao tinh thần tự bảo vệ mình, không sinh sống cạnh những sườn núi kết cấu địa chất rời rạc, qua đó tránh được những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Nguyễn Quang Duy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm