Làng quạt Chàng Sơn

Làng quạt Chàng Sơn
Chiếc quạt ở Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã được gắn với rất nhiều huyền tích, trong đó nổi lên là câu chuyện ngày xưa có “hội đồng tiên quạt”, vì lương duyên nên kết quạt để giải tâm phiền. Người dân trong làng cũng truyền miệng câu thơ: “Tiên đồng hội quạt, hội đồng tiên/Lương duyên kết quạt, giải tâm phiền/ Phiền tâm quạt, tay đưa gió/Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên”. Từ thế kỷ XIX, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng, từng được người Pháp đem sang Paris triển lãm. Người làm quạt giỏi được phong chức Bá Hộ, một phẩm hàm cấp cho hào lý hoặc người giàu có thời phong kiến.

Trước đây khi Nhà nước còn bao cấp, xã Chàng Sơn là một tổ hợp sản xuất quạt giấy chuyên nghiệp, phân phát đi khắp nơi và được Nhà nước bảo trợ. Nhưng sau khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều người làm quạt giấy trong làng phải bỏ nghề do không có thị trường tiêu thụ, chỉ còn ít người quyết tâm bám trụ với nghề, không ngại khó, ngại khổ để tìm hướng đi cho nghề cũ của làng. Người đã có công khôi phục làng quạt truyền thống phải kể đến ông Dương Văn Mơ. Cùng trong thời điểm nghề làm quạt ở Chàng Sơn trước nguy cơ thất truyền, phong trào khôi phục hội lễ truyền thống ở địa bàn các xã quanh Chàng Sơn ngày càng lan rộng. Biết tiếng của ông Mơ, đền thờ làng Bùng đã mời ông phục dựng lại chiếc quạt thờ đã bị mối mọt để dân làng Bùng, xã Canh Nậu cúng tế trong những ngày lễ hội. Công việc phục chế quạt thờ là mốc khởi nghiệp cho việc sản xuất quạt hàng loạt sau này của ông Mơ, bởi bên cạnh việc phục chế quạt, ông còn nhận làm quạt thủ công mỹ nghệ cho những đơn đặt hàng của công ty du lịch, quạt the, quạt lượt cho đoàn nghệ thuật và phục vụ hội lễ, đặc biệt cả quạt tranh, một loại quạt do ông sáng tạo ra để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khách hàng và đa dạng hoá mẫu mã mặt hàng quạt của gia đình. Cùng với việc đổi mới trong mẫu mã, chủng loại quạt, nguyên liệu làm quạt cũng được ông Mơ cải tiến cho phù hợp, để giảm giá thành sản phẩm nhưng vẫn giữ được những nét tinh xảo đặc trưng của quạt Chàng Sơn.
 

Để có được một chiếc quạt ưng ý, người nghệ nhân phải bỏ rất nhiều công sức chọn lựa từng ống tre làm nan quạt, từng sợi mây để làm viền và từng thếp giấy để làm cánh quạt. Có nhiều loại quạt được người Chàng Sơn làm ra như quạt giấy, quạt ghép, quạt the, quạt thư pháp, quạt lụa... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là quạt the. Nguyên liệu cơ bản một chiếc quạt giấy hay quạt the đều gồm tre, giấy, vải và hồ nếp. Tre phải dẻo, già, có độ tuổi từ 3 năm trở lên, không mối mọt thì nan quạt mới bền, đẹp. Tre cắt thành ống, cạo tinh xanh, lấy dao tách cật ra, gắn sơn ta vào giữa hai thanh tre. Sau đó, các thanh tre được bó chặt lại vài tháng, đến khi khô sơn mới vót thành nan quạt. Sợi mây phải óng, mượt, dài để khi đan không phải nối nhiều đoạn lại với nhau. Ngày trước, Chàng Sơn chủ yếu dùng giấy dó của Bắc Ninh và nhựa quả cậy để làm quạt. Nhưng ngày nay, cả hai nguyên liệu này đều hiếm, nhất là nhựa quả cậy, thêm nữa, nhu cầu về quạt giấy dó không lớn vì giá thành cao, do đó, loại quạt này đã dần mất đi. Chỉ khi có khách hàng đặt riêng, một số nghệ nhân có tiếng trong làng mới làm, và theo họ, giấy dó hiện tại cũng chỉ là loại giấy dó tái sinh, không giữ được vẻ mịn màng của giấy dó nguyên chất như trước. Thay vào đó, quạt Chàng Sơn hiện nay được sản xuất từ loại giấy Bãi Bằng để mộc hay nhuộm màu, tạo vẻ sặc sỡ, tươi vui cho những chiếc quạt xoè của lễ hội. Khi vào giấy cho nan quạt phải khéo léo, tỉ mỉ sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều, tiện cho công việc vẽ tranh.

Khi vẽ phải căn chuẩn nếp gấp giữa các nan quạt. Phải tính toán kỹ lưỡng sao cho khi hoàn thành, gấp quạt lại không ảnh hưởng đến tranh, các nếp gấp nằm vào đúng khoảng không, không được cắt người hay cắt vật. Nếu trường hợp bắt buộc phải cắt, thì cái tài của người vẽ chính là tạo mối liên kết sao cho người xem không biết vật đó bị cắt nếu không tận tay sờ vào quạt. Khi các công đoạn làm quạt hoàn thiện, người họa sỹ sẽ phủ lên đó một lớp sơn bóng để giữ cho quạt sáng đẹp, bền lâu.
 

Còn đối với quạt the, loại nguyên liệu được nghệ nhân Chàng Sơn sử dụng hiện nay là voan Trung Quốc, mua buôn từ chợ Đồng Xuân. Loại voan này mỏng hơn loại the làm quai thao của làng Triều Khúc một chút, nhưng mặt voan dệt se, khít và rất mịn. Thời bao cấp, nghệ nhân Chàng Sơn cũng từng sử dụng the của làng Vạn Phúc và lượt của làng Bùng bên cạnh, song kỹ thuật dệt của hai làng này lại tạo ra mặt vải hơi thưa, không thích hợp lắm với việc làm quạt. Hiện nay, do tìm được nguồn nguyên liệu mới, loại voan máng và nhẹ hơn, lại khá kinh tế, nghệ nhân Chàng Sơn đã khắc phục được phần lớn những nhược điểm gặp phải khi sử dụng the và lượt làm quạt trước đây như: tạo gió không đều, cầm nặng tay…

Quạt tranh là loại quạt khó làm hơn cả. Kích cỡ và thể tài của quạt tranh khá đa dạng, nên quạt tranh có thể cầm tay hay treo trong nhà như một kiểu trang trí nội thất. Kỹ thuật làm quạt tranh phức tạp hơn nhiều so với làm quạt giấy hay quạt the thông thường. Tranh được vẽ trên lụa, và đôi khi còn được thêu ren trước khi gắn vào nan quạt. Đề tài trên quạt tranh khá phong phú, thường là các tích cổ Trung Quốc, tranh phong cảnh, nền để trắng tự nhiên hoặc tô màu. Để tạo ra một chiếc quạt tranh, nghệ nhân Chàng Sơn không chỉ có bàn tay khéo léo, tài hoa, mà còn phải có khả năng sáng tạo và cảm thụ hội hoạ tốt.
 

Cũng như bao làng nghề truyền thống khác, nghề làm quạt giấy rơi vào tình trạng “teo tóp”,  khi mà người người chủ yếu dùng quạt điện, điều hòa. Những năm về trước làng quạt cũng lao đao trong thời buổi cơ chế thị trường nhưng một hai năm trở lại đây Chàng Sơn đã tìm được chỗ đứng trên thị trường bởi xu hướng du lịch làng nghề ngày một phát triển. Quạt Chàng Sơn vẫn liên tục được xuất khẩu sang Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thậm chí có những đoàn khách du lịch quốc tế tình cờ được tặng một chiếc quạt Chàng Sơn đã tìm cách đến tận làng nghề để đặt hàng. Với những bước đi vững chắc và đã khẳng định được thương hiệu, bây giờ chẳng ai nói nghề làm quạt là nghề phụ nữa. Giờ đây, ở Chàng Sơn nhà nhà làm quạt, người người làm quạt. Những chiếc quạt không đơn thuần để làm mát những ngày hè, mà còn là vật giải tỏa những ưu phiền, chứa đựng những thông điệp sâu lắng lòng người và góp phần quảng bá văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.
Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm