Làng phong Ngol Tả không còn "ma lai"

Làng phong Ngol Tả không còn "ma lai"

Trước kia, bà con người Jrai quan niệm bệnh phong là “con ma lai” sẽ hại dân làng, nên ai mắc bệnh là bị xua đuổi. Bản thân người bị bệnh cũng mặc cảm, đi biệt vào rừng sâu sinh sống. Bố mẹ già làng Duit đều bị phong, nên đành rồng rắn mang theo đàn con nhỏ đến Ngol Tả. Già làng Duit kể chuyện xưa:

 

- Ngày xưa làng mình chỉ có 5 cái nhà thôi. Ngày trước là khó khăn lắm. Trước là toàn nhà tranh, mình chặt lồ ô, chặt cây mình lợp. Đất hoang nhiều, tự mình khai hoang làm nương rẫy, trồng mỳ, bắp. Hồi mình mới thanh niên, người ta không vô làng chơi, sợ lắm, sợ bị lây. Bây giờ có đường, có điện, có trường học, dân làng làm nhà làm cửa rồi...

  Nguyen Thao Ngol ta 2.JPG

Làng Ngol Tả với nhà cửa và đường làng khang trang

Là người thuộc thế hệ đầu tiên được sinh ra và lớn lên ở làng Ngol Tả, anh Ksor Black (sinh năm 1974) quyết tâm học hỏi kỹ thuật canh tác cà phê, cao su, hồ tiêu. Nhờ thế mà vườn cây công nghiệp của anh Black luôn đạt năng suất cao, hàng năm thu về lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Giờ đây Black đầu tư cho 2 con học đại học. Với uy tín và kinh nghiệm sản xuất của mình, Black được dân làng bầu làm trưởng thôn, để truyền đạt kỹ thuật sản xuất, giúp dân làng thoát nghèo. 

Trưởng thôn Black:

- Dân làng làm lúa, làm cà phê, học tập kỹ thuật trồng trọt, để nhờ kỹ thuật đó mà phát triển. Nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư đường, trường học, từ đó mà dân làng phát triển, ai cũng nhà ở, có xe công nông, hon-đa,…con cái được đi học. Dân làng chúng tôi không mặc cảm gì nữa. Làng này cũng lấy vợ làng kia, làng kia cũng lấy chồng bên này.

 

Nhiều năm nay, bệnh nhân phong ở làng Ngol Tả đã được cấp phát thuốc chữa bệnh miễn phí. Bây giờ cả làng chỉ còn 2 người già mắc phong, những thế hệ sau được sinh ra ở đây đều hoàn toàn khỏe mạnh. Ngol Tả ngày trước 100% là hộ nghèo, nhưng nay gần 40 hộ, với hơn 150 nhân khẩu, chỉ còn 1 hộ nghèo. Người dân được hỗ trợ cây giống, vật nuôi; được xây dựng đường xá, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học… Cuộc sống ấm no, dân làng nghĩ tới việc cho con tới trường học chữ. Điểm trường làng Ngol Tả được thành lập 4 năm nay, lúc nào cũng tấp nập học sinh. 

Nguyen Thao- Ngol ta.JPG

Cô giáo Phan Thị Bình và học sinh mẫu giáo ở điểm trường làng Ngol Tả

Chị Phan Thị Bình, giáo viên mầm non điểm trường Ngol Tả nói:

- Khi tôi được điều động đến đây, phụ huynh rất là mừng, muốn đưa con em mình đi học. Mấy tháng đầu thì rất khó khăn, nhưng giáo viên thì phải gương mẫu, phải mẫu mực trong cách ăn nói, đi đứng, mọi tác phong mình phải nghiêm túc để cho các em học theo. Trước đây, nghe nói thì tôi cũng rất là sợ. Nhưng mà trẻ đứt tay, khó như vậy, cô không băng bó thì ai? Từ đó, mình không còn sợ lây nữa.

 

Hiện nay toàn tỉnh Gia Lai có trên 10 làng phong, rải rác ở nhiều huyện như Đắc Đoa, Ia Grai, Mang Yang, Chư Pưh.... Dù người dân địa phương đã nhận thức đúng về bệnh phong, nhưng người mắc bệnh vẫn ít nhiều gặp phải sự kỳ thị. Thêm nữa, sức khỏe kém, khiến việc làm ăn của họ  bị hạn chế nhiều so với người khỏe mạnh. Vì thế, nghị lực thoát nghèo, thoát mặc cảm để thay đổi cuộc sống của người dân làng Ngol Tả càng đáng khâm phục.

Ông Nguyễn Kim Hổ, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND dân xã Chư H’Drông, cho biết:

- Nhà nước hỗ trợ phân bón, cây giống, vật nuôi để cho bà con sản xuất. Các đơn vị kết nghĩa giúp đỡ hàng năm như là gạo, mắm, vật dùng cho bà con. 100% nhà có ti-vi, 100% nhà có xe gắn máy, trong làng có 60% nhà xây. Làng Ngol Tả đã có thay đổi nhiều về bộ mặt. 90% dân làm cà phê, hồ tiêu, kinh tế ngày càng phát triển.

 

Đã không còn làng Ngol Tả với những người bệnh đang vật vã vì đói, vì khổ, vì mặc cảm ma lai.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm