Lãng phí vốn đầu tư công nhìn từ Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa (Đắk Lắk)

Lãng phí vốn đầu tư công nhìn từ Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa (Đắk Lắk)

Do thiếu nguồn vốn chi trả giải phóng mặt bằng nên dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa ở tỉnh Đắk Lắk phải tạm dừng thi công gây lãng phí lớn trong việc sử dụng vốn đầu tư công.

Lãng phí vốn đầu tư công nhìn từ Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa (Đắk Lắk) ảnh 1 Sau hơn 2 năm triển khai thi công dự án hồ Yên Ngựa vẫn là bãi đất trống. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN

Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 2888/QĐ-UBND, ngày 30/10/2018, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban A) làm chủ đầu tư. Dự án có hai công trình hồ chứa, với dung tích hơn 3,1 triệu m3, gồm hồ Yên Ngựa (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) và hồ Buôn Biếp (xã Yang Tao và xã Bông Krang, huyện Lắk).

Đây là dự án nhóm B, với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt hơn 305 tỷ đồng, gồm vốn Trung ương hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (SP-RCC), vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Sau khi hoàn thành, dự án đảm bảo cấp nước tưới cho 750ha cây trồng, cho chăn nuôi, phục vụ sinh hoạt, cải thiện môi sinh, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống đồng bào trong khu vực.

Lãng phí vốn đầu tư công nhìn từ Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa (Đắk Lắk) ảnh 2 Hạng mục thân đập hồ Yên Ngựa thi công dở dang. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 – 2022 và được chia làm 2 giai đoạn. Tuy đã gần hết thời gian thi công nhưng đến nay dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa phải tạm dừng thi công.

Ghi nhận của phóng viên tại công trình hồ chứa nước Yên Ngựa, lòng hồ vẫn là bãi đất trống, chưa có đập đất, tràn xả lũ. Một số hạng mục cống lấy nước, nhà điều hành... thi công dang dở, khối lượng hoàn thành rất thấp. Người dân sống gần công trình cho biết, nhà thầu thi công đã rút đi từ nhiều tháng nay, chỉ cử người ở lại trông coi bãi vật liệu.

Theo các bên liên quan, nguyên nhân chính dẫn đến việc công trình hồ chứa nước Yên Ngựa, huyện Cư Kuin phải tạm dừng là do chưa có mặt bằng để thi công.

Ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin cho biết, Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa thu hồi diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân là 67,2 ha; trong đó, 61,9 ha thuộc khu vực lòng hồ, cụm đấu nối, bãi vật liệu, đường đi... còn lại là hệ thống kênh, mương. Về thẩm quyền, UBND huyện đã phê duyệt tất cả các phương án đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng cho hơn 60 ha diện tích lòng hồ, với tổng kinh phí khoảng 118 tỷ đồng, so với dự kiến ban đầu hơn 43 tỷ thì tăng thêm gần 80 tỷ.

Lãng phí vốn đầu tư công nhìn từ Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa (Đắk Lắk) ảnh 3Nhà điều hành công trình hồ Yên Ngựa thi công dở dang gây lãng phí vốn đầu tư công. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN

"Mặc dù người dân trong vùng dự án thống nhất với phương án giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt nhưng do thiếu kinh phí để chi trả kịp thời nên bà con chưa chịu bàn giao mặt bằng, cản trở thi công", ông Huy cho hay.

Chủ đầu tư dự án cho biết, theo phê duyệt tại Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 29/6/2020 của UBND tỉnh Đắk Lắk, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 47,80 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, tổng giá trị phê duyệt của các Phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án là 80,07 tỷ đồng (bao gồm hồ Buôn Biếp 7,7 tỷ đồng; hồ Yên Ngựa 72,3 tỷ đồng). Trên cơ sở đó, Ban A đã chuyển kinh phí giải phóng mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Lắk để chi trả cho các hộ dân để thực hiện hạng mục Hồ Buôn Biếp là hơn 4,04 tỷ đồng (thiếu so với phương án phê duyệt 3,7 tỷ đồng); chuyển kinh phí giải phóng mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin để chi trả cho các hộ dân để thực hiện hạng mục Hồ Yên Ngựa là 34,8 tỷ đồng (thiếu so với phương án phê duyệt 37,5 tỷ đồng).

Theo đại diện Ban A, việc chi phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo các chế độ chính sách hiện hành cùng một số nguyên nhân khác đã làm vượt tổng mức đầu tư của dự án. Tổng mức đầu tư của dự án sau khi được tính toán lại đã tăng từ 305,5 tỷ đồng lên 468 tỷ đồng (tăng 162,5 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu) chủ yếu do chi phí giải phóng mặt bằng (tăng 133,35 tỷ đồng).

Theo lý giải của chủ đầu tư dự án, nguyên nhân chi phí giải phóng mặt bằng "đội" lên cả trăm tỷ đồng là tại thời điểm lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (27,5 tỷ) và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (47,8 tỷ) chi phí đền bù giải phóng mặt bằng chỉ là tạm tính, không có cơ sở. Mặt khác, giá cả thị trường, đất đai tại thời điểm năm 2017 vẫn còn rất rẻ so với thời điểm hiện tại. Hiện nay toàn bộ dự án đã được kiểm đếm, nên các phương án đền bù theo chế độ chính sách hiện hành nên đã có cơ sở xác định giá trị đền bù giải phóng mặt bằng tương đối chính xác.

Lãng phí vốn đầu tư công nhìn từ Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa (Đắk Lắk) ảnh 4Các nhà thầu đã dừng thi công khi không giải phóng được mặt bằng dự án hồ Yên Ngựa. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN

Để đảm bảo việc thực hiện chi trả theo đúng quy định, tránh phát sinh đơn thư khiếu nại, khiếu kiện gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và triển khai dự án theo đúng tiến độ, UBND huyện Cư Kuin đề nghị Ban A phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan sớm bố trí vốn để chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất.

Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy cho biết, mới đây UBND huyện đã làm việc với Ban A, Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở đó đề xuất kinh phí giải phóng mặt bằng phải được chi trả kịp thời cho người dân để bà con có điều kiện tái đầu tư sản xuất hoặc chuyển đổi nghề cho phù hợp.

Theo chủ tịch UBND huyện Cư Kyin. sau khi họp bàn với chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan, UBND huyện thấy phương án khả thi nhất là tạm ứng nguồn vốn thi công xây lắp sang để giải ngân cho hợp phần giải phóng mặt bằng, sau đó trình các cấp có thẩm quyền bổ sung thêm nguồn vốn. Phương án này vừa có kinh phí chi trả cho giải phóng mặt bằng, vừa đảm bảo có mặt bằng để nhà thầu triển khai thi công nhằm sớm hoàn thành dự án.

Ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban A cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho dự án, Ban đã lập hồ sơ, báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cho UBND tỉnh, đồng thời đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua để bảo đảm tiến độ thi công và đưa dự án vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, việc thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư công phải qua nhiều bước, nhiều thủ tục và cần có thời gian để thực hiện.

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã có buổi làm việc với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (Ban A) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Đoàn giám sát đã đề nghị Ban A giải trình nguyên nhân tăng vốn của dự án, vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư; yêu cầu phải bảo đảm quyền lợi của người dân có đất thu hồi tại vùng dự án; xem xét, làm rõ có hay không việc lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Yên Ngựa.

"Thời gian thực hiện dự án sắp hết nhưng khối lượng thi công công trình đạt được rất thấp. Dự án chậm triển khai, chậm hoàn thành; tăng thêm tổng mức đầu tư do giải phóng mặt bằng, tư vấn, thiết kế, thi công. Chúng ta ở giai đoạn 1 mà vẫn chưa hoàn thành thì giai đoạn 2 và tiếp theo như thế nào. Rõ ràng dự án đã có sự lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công"- Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nêu vấn đề.

Anh Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm