Lãng phí từ các công trình cấp nước tập trung ở Yên Bái

Lãng phí từ các công trình cấp nước tập trung ở Yên Bái
*Hàng trăm công trình không hoạt động 

Theo số liệu báo cáo rà soát đánh giá liên ngành của tỉnh Yên Bái về các công trình nước sạch nông thôn, tổng số công trình nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn hiện nay là 395 công trình, với tổng nguồn vốn đã đầu tư lên đến hơn 410 tỉ đồng. Song hiện có tới 102 công trình không hoạt động, 87 công trình hoạt động nhưng kém hiệu quả. 
Nguyên nhân do nhiều công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh được đặt tại những vùng khó khăn, địa hình dốc, chia cắt, dân cư sống rải rác, trong khi đó, cộng đồng và địa phương được giao lại thiếu trách nhiệm trong quản lý… dẫn đến hiệu quả sử dụng công trình chưa cao.
 
Một công trình cấp nước bị bỏ hoang.
Một công trình cấp nước bị bỏ hoang. 


Cụ thể, các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện đều được giao cho các Ban quản lý nước sạch cấp xã khai thác, quản lý. Song thực tế cho thấy, mô hình quản lý này chưa phát huy hiệu quả. Theo Chi cục Thuỷ lợi Yên Bái, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh và ngày càng có nhiều công trình cấp nước tập trung không hoạt động do UBND các xã chưa quan tâm đúng mức trong việc quản lý, khai thác các công trình trên địa bàn xã mình quản lý. Cán bộ Ban quản lý các công trình tại các xã này không có trình độ chuyên môn, chủ yếu do các cán bộ xã kiêm nhiệm, không có kinh phí hoạt động dẫn đến việc các công trình không được bảo dưỡng, nhanh hỏng hóc, không phát huy được hiệu quả như thiết kế ban đầu. *Dân vẫn “khát” nước sạch 

Tại 70 xã vùng cao của tỉnh Yên Bái, có tới 63 công trình kém hiệu quả và 77 công trình không hoạt động. Trong khi đó, hàng chục nghìn người dân vẫn gặp nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Họ phải tự tìm kiếm nguồn nước từ các khe, mạch, thậm chí phải sử dụng nước suối không đảm bảo vệ sinh. 

Theo chị Hoàng Thị Lan, Trưởng bản Din, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, từ nhiều năm nay, bản thân chị cũng như nhiều hộ dân trong bản đã không còn nhớ đến sự tồn tại của công trình cấp nước tập trung được nhà nước đầu tư xây dựng cho hơn 80 hộ dân trong bản để có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Chị Lan cho hay, ngày nước sạch về, cả bản Din ai cũng vui mừng. Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, vì công trình được xây ở xa, không có người thường xuyên dọn dẹp, sửa sang, lại thiếu kinh phí bảo dưỡng nên nhanh hỏng hóc, công suất nước cũng kém nên không đủ nước cho các hộ gia đình sử dụng. Hiện công trình cấp nước của bản Din chỉ phục vụ được cho vài hộ dân gần đó. 
 
Công trình cấp nước sạch cho bà con ở các thôn, bản bị bỏ hoang, lãng phí như thế này.
Công trình cấp nước sạch cho bà con ở các thôn, bản bị bỏ hoang, lãng phí như thế này.


Do không có nước dùng, gia đình chị Lan đã phải bỏ ra hơn 20 triệu đồng, tự đầu tư xây dựng một hệ thống dẫn nước từ nguồn trên núi về, vừa phục vụ cho sinh hoạt, vừa phục vụ tưới tiêu trong sản xuất. Nhưng không phải ai trong bản cũng có khả năng để tự đầu tư nước sạch cho mình như gia đình chị Lan. Nhiều hộ dân khác trong bản phải dẫn nước khe, thậm chí nước suối về để dùng. 

Cũng trong tình trạng tương tự, công trình cấp nước tập trung tại thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái hiện nay cũng chỉ cung cấp nước được cho 3 – 4 hộ gia đình xung quanh. Chỉ tay lên đỉnh đồi phía xa, anh Hờ A Chua sống ở thôn Hồng Lâu bảo: “Nó ở tít trên đó, xây lâu lắm rồi, từ hồi em mới 9, 10 tuổi, bây giờ em đã có vợ, có con. Cả thôn chỉ có mấy hộ trên đó dùng thôi, các nhà khác thì dẫn nước suối về dùng, vì xa quá, mà cũng chẳng đủ nước”. 

Công trình cấp nước mà anh Hờ A Chua chỉ chỉ là một bể nước nhỏ, rêu phủ và cỏ dại mọc kín xung quanh. Đã từ lâu không có ai chăm sóc, sửa chữa, chỉ còn một vòi nước nhỏ hoạt động với một ống dẫn to hơn ngón tay cái, thủng lỗ chỗ, được buộc vá lại bằng những chiếc túi ni lông. Nước rỉ ra từ bể, theo đường ống đó dẫn xuống mấy nóc nhà ở ven sườn đồi. 

Ở thôn Hồng Lâu, đa số các hộ là đồng bào người Mông. Người Mông quen sống trên núi cao nhưng cũng là khu vực thường xuyên thiếu nước. Khi công trình cấp nước được xây dựng, dân trong thôn vui mừng vì tưởng từ nay không còn phải lấy nước suối về dùng nữa. Nhưng đến nay, đa số các hộ dân trong thôn vẫn tiếp tục phải dùng nước suối không bảo đảm vệ sinh cho mọi sinh hoạt hàng ngày vì công trình cấp nước tập trung không phát huy được hiệu quả. Theo anh Hờ A Chua, ở Hồng Lâu bây giờ, người và trâu trong bản tắm cùng một dòng nước như bao đời. 

Tỉnh Yên Bái đặt ra mục tiêu đến năm 2020, có 90% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỉnh này cũng đang dự kiến tiếp tục đầu tư hơn 152 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020, để cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới các công trình nước sạch ở nông thôn./.
TTXVN

Có thể bạn quan tâm