Làng nghề Bát Tràng (Hà Nội) tặng sản phẩm gốm sứ tiêu biểu cho Quốc hội

Làng nghề Bát Tràng (Hà Nội) tặng sản phẩm gốm sứ tiêu biểu cho Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đại biểu thăm sản phẩm tại khu trưng bày giới thiệu sản phẩm gốm sứ tiêu biểu của Bát Tràng và các làng nghề truyền thống. Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đại biểu thăm sản phẩm tại khu trưng bày giới thiệu sản phẩm gốm sứ tiêu biểu của Bát Tràng và các làng nghề truyền thống. Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận, trong suốt những năm qua người dân Bát Tràng thấm nhuần lời dạy của Bác đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm tạo ra nhiều sản phẩm gốm sứ chất lượng cao, mẫu mã đẹp, được thị trường trong nước và quốc tế tin dùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng sự kiện kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Bát Tràng vừa là để nhắc nhở, ôn lại truyền thống, đồng thời tiếp thêm sức mạnh để người dân phấn đấu hoàn thành mục tiêu "đưa Bát Tràng thành một làng kiểu mẫu của cả nước Việt Nam mới", theo đúng tâm nguyện của Bác khi về thăm địa phương cách đây sáu thập kỷ.

Trước cơ hội phát triển mạnh mẽ song cũng nhiều thách thức, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Bát Tràng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, chú trọng phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng, gắn phát triển làng nghề với giữ gìn văn hóa, du lịch.

Để thực hiện điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng huyện Gia Lâm và thành phố Hà Nội cần quan tâm đến công tác quy hoạch, thực hiện đầu tư, tu bổ; áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra sản phẩm gốm sứ Bát Tràng ngày càng có mẫu mã đẹp, độc đáo, chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đại biểu cắt băng khai trương khu trưng bày giới thiệu sản phẩm gốm sứ tiêu biểu của Bát Tràng và các làng nghề truyền thống. Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đại biểu cắt băng khai trương khu trưng bày giới thiệu sản phẩm gốm sứ tiêu biểu của Bát Tràng và các làng nghề truyền thống. Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN

Gần 1.000 năm trước từ chốn tổ Bồ Bát (Yên Mô, Ninh Bình), 23 dòng họ mang nghề tổ nghiệp xa hương ngược sóng Hồng Hà ra lập nghiệp ven bến sông, tạo ra làng Bát Tràng ngày nay.

Ngày 20/2/1959, trong thời điểm cả nước đang đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quang Minh (nay là xã Bát Tràng) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Bác đã biểu dương nhân dân và nhắc nhở xã cần chú ý đến đường, giao thông, trồng cây để cải tạo môi trường. Bác căn dặn “Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu ở nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. 

Ông Phạm Huy Khôi, Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng, cho biết: Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, 60 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm nói chung và xã Bát Tràng nói riêng luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước...; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đổi mới cơ chế tổ chức sản xuất, tranh thủ liên doanh, liên kết để huy động các nguồn vốn, phát huy nội lực và thế mạnh của làng nghề truyền thống để phát triển kinh tế bền vững. Hiện tại thu nhập bình quân đầu người của Bát Tràng đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, việc triển khai nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lò gas vào sản xuất, nung gốm sứ đánh dấu một bước đột phá trong quy mô, tổ chức, hiệu quả sản xuất gốm sứ của Bát Tràng, giúp địa phương khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nung đốt gốm sứ bằng lò than; đồng thời, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm gốm sứ. Sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và có mặt ở các thị trường lớn như Pháp, Nhật Bản, Italy, Hàn Quốc, Nga...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chứng kiến lãnh đạo huyện Gia Lâm tặng sản phẩm tiêu biểu của làng nghề Bát Tràng cho Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chứng kiến lãnh đạo huyện Gia Lâm tặng sản phẩm tiêu biểu của làng nghề Bát Tràng cho Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ được sử dụng trong thời kỳ phong kiến như: gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Mạc...; khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc sắc. Từ năm 2016 Bát Tràng được thành phố Hà Nội chọn là một trong hai địa phương thực hiện đề án bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với du lịch. Hiện tại xã Bát Tràng có 140 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi.
Mạnh Khánh

Có thể bạn quan tâm