Làng hoa đào Nhà Nít rộn ràng vào vụ Tết Canh Tý 2020

Làng hoa đào Nhà Nít rộn ràng vào vụ Tết Canh Tý 2020
Nâng cao thu nhập từ nghề trồng hoa đào ở Phú Thọ. Ảnh: baophutho.vn
Nâng cao thu nhập từ nghề trồng hoa đào ở Phú Thọ. Ảnh: baophutho.vn
Có mặt tại làng đào Nhà Nít, xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì trong những ngày này, khắp các đường làng, ngõ xóm là những nụ đào chúm chím chờ bung nở. Người dân xã nơi đây cho biết, cây đào nhà Nít được trồng từ những năm 80 về trước, nhưng cũng chỉ trồng nhỏ lẻ. Vài năm trở lại đây, do nhu cầu người dân chơi đào ngày Tết lớn nên nhiều hộ dân trong xã đã phá bỏ tập quán trồng sắn chuyển sang trồng đào. Anh Hoàng Xuân Lương, làng nghề Nhà Nít cho hay, cách đây 10 năm, gia đình có gần 5 sào đất vườn chuyên trồng sắn, sau khi thấy việc trồng sắn đem lại hiệu quả kinh tế thấp nên năm 2015, gia đình đã chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng đào. Từ việc trồng nhỏ lẻ, đến nay, gia đình anh Lương đã có 500 gốc đào; trong đó, có hàng chục gốc đào có giá trị cao từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/gốc, thu nhập bình quân hàng năm hơn 100 triệu đồng từ đào. Làng đào nhà Nít hiện có 125 hộ trồng đào trên diện tích 4,7 ha với khoảng hơn 35.000 gốc đào. Năm 2019, làng hoa đào Nhà Nít xuất bán ra thị trường khoảng 30.000 gốc đào; trong đó, có tới hơn 10.000 gốc được trồng mới từ diện tích đất chuyển đổi trồng sắn trước đây. Cả làng đã có vài chục năm kinh nghiệm trồng đào. Cây đào được người dân coi là giống cây ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Ông Phan Văn Kiêu, Trưởng làng nghề trồng hoa đào Nhà Nít và cũng là một trong những hộ đầu tiên trồng đào thế ở làng đào nhà Nít chia sẻ, gia đình có 700 gốc đào, mỗi năm thu nhập khoảng gần 100 triệu từ bán đào. Tuy nhiên, trồng đào thế kỹ thuật khó, vất vả hơn nhưng hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với đào cành. Khó nhất trong trồng đào thế là khâu đánh bầu, vận chuyển đi bán, nếu làm không cẩn thận cây sẽ bị chết. Để khắc phục trước Tết khoảng 2 tháng, ông Kiêu đã dùng xẻng xắn vòng tròn quanh gốc đào để khi nhấc cây lên bán cho khách cây không bị đứt rễ đột ngột. Ông Kiêu cho biết thêm, chưa năm nào gia đình ông ngắt lá đào muộn như năm nay. Nếu như những năm trước, cuối tháng 10 âm lịch các hộ gia đình trồng đào đã ngắt hết lá để đào nuôi nụ thì năm nay muộn hơn gần nửa tháng. Thậm chí có hộ vẫn chưa ngắt lá vì thời tiết còn nắng. Thời điểm ngắt lá đào rất quan trọng để cây đào ra hoa đúng dịp Tết cổ truyền. Nếu ngắt lá không đúng thời điểm, công sức chăm sóc cả năm sẽ “bỏ sông bỏ bể"… Theo những người trồng đào lâu năm tại đây, một cây đào đẹp không những phải có nụ mập, hoa to, dày cánh mà còn phải đủ nụ, lộc, lá, hoa, quả tượng trưng cho tương sinh ngũ hành, tuần hoàn của cuộc sống, kế thừa của thế hệ. Tại làng đào Nhà Nít, nhiều hộ còn nhận dịch vụ chăm sóc thuê đào khách hàng gửi sau các dịp chơi Tết. Những cây đào này thường là các cây đào cổ, quý, có giá thành đến vài chục triệu trở lên. Công “trồng thuê” một năm khoảng 1,5 triệu đồng, có những nhà nhận chăm cả vườn đào cổ. Theo tính toán của người dân làng đào Nhà Nít, nếu thời gian tới, thời tiết se lạnh, ít mưa và không mưa dịp áp Tết thì đào nở đẹp và hứa hẹn một mùa bội thu. Hiện tại, người dân vẫn đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đào ra hoa đẹp và đúng vụ, đáp ứng nhu cầu hoa chơi Tết của khách hàng. Ông Lương Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Đình cho biết, để nâng cao chất lượng cây hoa đào, giữ gìn nghề trồng đào truyền thống, xã đã khuyến khích người dân, cải tạo và thay thế một số giống hoa đào chất lượng kém bằng những giống đào có nguồn gốc rõ ràng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và quy hoạch lại diện tích trồng đào theo đúng tiêu chuẩn để tiết kiệm diện tích, góp phần đưa thương hiệu hoa đào nhà Nít đến gần với mọi nhà vào ngày Tết. Mặt khác, xã tập trung xóa bỏ tập quán trồng sắn, năng suất thuất để khuyến khích người dân chuyển sang trồng đào, phục vụ người dân có nhu cầu chơi hoa đào Tết vào dịp Tết đến, Xuân về. Hiện xã Thanh Đình có 15 ha diện tích trồng đào; trong đó, có hơn 1,2 ha vừa được xã chuyển đổi từ diện tích trồng sắn năng suất thấp sang trồng đào, số diện tích còn lại lại được trồng tại vườn của các hộ gia đình trong xã. Mỗi 1ha diện tích trồng đào, người dân thu về khoảng 450 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần trồng sắn, trung bình mỗi hộ trồng từ 100 - 200 gốc, có gia đình trồng nhiều từ 300 - 700 gốc, bình quân cứ 100 gốc đào, người dân có thể lãi hơn 10 triệu đồng… Một mùa Xuân nữa đang về, sắc Xuân đang bao trùm lên các ngõ nhỏ ở các địa phương trong tỉnh Phú Thọ. Ngoài làng đào Nhà Nít, ở Phú Thọ còn có rất nhiều làng đào khác như: Làng đào như Long Ân (xã Hà Lộc) và làng đào Hồng Vân xã Thanh Minh (thị xã Phú Thọ) cũng đã và đang cựa mình với hơi thở mùa Xuân và không khí Tết. Hương sắc của  những bông hoa đào đang tràn về mang theo bao ước nguyện của người trồng hoa về một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Tạ Văn Toàn

Có thể bạn quan tâm