Làng hiếu học Rbai

Làng hiếu học Rbai

Làng Rbai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện (Gia Lai) nổi tiếng khắp vùng là ngôi làng hiếu học mặc dù 90% người trong làng là đồng bào dân tộc thiểu số. Dù cảnh đói nghèo "bủa vây" đời sống người dân, nhưng họ vẫn đồng lòng cho con cái theo học cái chữ. Bởi vậy, nhiều người con của làng Rbai trở thành cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu quốc hội, đã và đang đóng góp xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh.

Bên hiên nhà sàn, ông Nay Trơ, làng Rbai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, chia sẻ: Chỉ có học cái chữ mới thoát được nghèo, con cái mới có tương lai đi ra khỏi làng để phát triển nên dù nghèo cũng phải cho con đi học. Đến nay, 8 đứa con tôi đều đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có công ăn việc làm ổn định làm dược sĩ, bác sĩ, giáo viên...

Làng hiếu học Rbai ảnh 1Gia đình ông Nay Trơ là một trong những điển hình tiêu biểu của gia đình hiếu học trong làng với 8 đứa con đều đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Dân làng Rbai ai cũng yêu cái chữ, đây là truyền thống tốt đẹp của bà con làng Rbai. Để có tiền nuôi các con ăn học, nhiều gia đình đã chắt chiu từng đồng tiền đi làm thuê, thậm chí vay mượn cho con đi học. Tuy vất vả nuôi con đi học nhưng bố mẹ chưa bao giờ có ý nghĩ cho con nghỉ học. Ngược lại, những đứa trẻ của làng cũng hiểu hoàn cảnh nên luôn cố gắng chăm chỉ học hành. Trong nhiều gia đình, đứa con lớn ra trường đi làm, lại mang tiền về giúp bố mẹ nuôi em đi học.

Gia đình bà Siu H’Ngôn cũng là một gia đình hiếu học có tiếng của làng Rbai. Các con của bà Siu H’Ngôn đang giữ nhiều chức vụ quan trọng của tỉnh Gia Lai. Con gái lớn của bà là chị Siu Hương, đang công tác tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Con gái thứ 2 là chị Siu Cúc Cu hiện giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Piar. Những người con khác thì đều có công việc ổn định như giáo viên, kế toán.

Chị Siu Cúc Cu cho hay, gia đình có cha mẹ là cán bộ nhà nước nên việc học cái chữ luôn được cha mẹ quan tâm hàng đầu. Tôi cũng từ đói nghèo vươn lên nên hiểu sự vất vả của cha mẹ. Vì vậy, 4 anh chị em trong nhà đều bảo ban nhau học tập với mong muốn đổi đời, thoát nghèo và cống hiến cho địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Khá, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, chia sẻ: Tính chăm chỉ, hiếu học của người dân làng Rbai có từ rất lâu và đã trở thành truyền thống trên mỗi nếp nhà. Theo thống kê, hiện nay cả làng có 3 thạc sĩ, 42 người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học, 16 em đang là sinh viên các trường đại học trên cả nước và 17 cán bộ về hưu.

Để giúp người dân phát huy tính hiếu học, đồng thời nhân rộng truyền thống hiếu học trên địa bàn, các cấp chính quyền xã và huyện cũng dành nhiều sự quan tâm, sẻ chia và những phần quà thiết thực để động viên nhân dân các thôn, làng nuôi dưỡng tình yêu cái chữ, từ đó giúp gia đình mình vươn lên thoát nghèo, đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển tại địa phương.

Làng hiếu học Rbai ảnh 2Truyền thống hiếu học được người dân làng Rbai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện (Gia Lai) lưu truyền từ nhiều đời nay. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ông Hoàng Hữu Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar, huyện Phú Thiện cho biết, từ bao đời nay, làng Rbai nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Người dân cũng như con em các gia đình đều có nhận thức cao trong việc học tập để vươn lên thoát nghèo. Địa phương cũng tạo điều kiện, khuyến khích, động viên để bà con tiếp tục gìn giữ truyền thống tốt đẹp này. Đối với những hộ gia đình nghèo, khó khăn, chúng tôi cũng có những phần quà thiết thực nhằm động viên, chia sẻ giúp người dân tiếp tục phát huy tính hiếu học bao đời nay.

Bà Vũ Thị Lý, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Thiện cho biết: Để động viên, giúp người dân giữ được tinh thần hiếu học, Hội đã giúp đỡ rất nhiều cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục thực hiện ước mơ trên giảng đường đại học. Đại diện Hội Khuyến học huyện đã đứng lên kêu gọi những nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ các cháu đi học. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương, kêu gọi hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để các cháu có thể tiếp tục đi học. Sau khi thành tài, các cháu lại trở về địa phương, để cống hiến, xây dựng quê hương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển hơn trong tương lai.

Làng Rbai cũng là cái nôi của nhiều người tài, đang giữ nhiều chức vụ quan trọng của xã và huyện. Nhờ những người có trình độ, kiến thức, quay về xây dựng quê hương, làng Rbai hiện nay đã phát triển hơn, nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ việc cho con em học cái chữ.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm