Làng gốm Phù Lãng với diện mạo mới

Làng gốm Phù Lãng với diện mạo mới
Chum gốm được chuyển vào lò nung. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Chum gốm được chuyển vào lò nung. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Ra đời cách ngày nay hơn 700 năm, gốm Phù Lãng nổi tiếng với các sản phẩm đồ gia dụng như vại, ấm, nồi, chum, chậu hoa, đôn cảnh, tiểu quách dùng trong mai táng. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhờ bắt nhịp được với thị hiếu của thị trường, những người con ở Phù Lãng đã tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của làng nghề. Đó chính là việc phát triển dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ. Với lòng yêu nghề, sức sáng tạo, trên chất cốt truyền thống, họ đã vẽ lên một diện mạo hoàn toàn mới cho sản phẩm truyền thống bằng cách thay đổi kiểu dáng và thêm vào họa tiết, hoa văn trang trí trên sản phẩm.
Người thợ gốm cẩn thận xếp từng sản phẩm vào lò nung. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Người thợ gốm cẩn thận xếp từng sản phẩm vào lò nung. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Là một trong những cơ sở làm gốm nổi tiếng ở Phù Lãng, anh Nguyễn Minh Ngọc, chủ cơ sở gốm Ngọc, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết, gia đình anh đã có hơn 50 năm làm gốm, được truyền từ đời ông, cha. Trước kia các sản phẩm từ gốm rất thô sơ, do vậy không đáp ứng với nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Nhờ nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường, từ năm 2002, gia đình anh mạnh dạn thay đổi hướng sản xuất làm đồ trang trí, trưng bày. Hiện nay, cơ sở gốm Ngọc của anh có hàng nghìn sản phẩm với hàng chục chủng loại như: đèn, bình hoa, đôn, phù điêu… Đặc biệt, những chiếc lọ trang trí có sự kết hợp giữa gốm và gỗ đang rất thịnh hành.
Chum gốm được chuyển vào lò nung. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Chum gốm được chuyển vào lò nung. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Một sản phẩm không thể bỏ qua khi đến với làng gốm Phù Lãng, đó chính là dòng tranh gốm. Hầu hết khách đến nơi đây đều mua về làm quà hay trang trí trong nhà từ những bức tranh nhỏ đến bức tranh hàng chục mét vuông. Với sự tinh tế, tỉ mỉ của người thợ gốm, những hòn đất vô tri vô giác được thổi hồn vào trở nên sống động. Vừa nhanh tay đắp đất lên tranh vẽ, bà Lương Mỹ Hòa, cơ sở gốm Thịnh, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, mặc dù không phải là người quê gốc Phù Lãng nhưng do yêu mến dòng tranh mộc mạc, thô sơ này, năm 2000 bà đã quyết định đến Phù Lãng lập nghiệp. Vốn là một họa sĩ, có kiến thức trong hội họa, cơ sở của bà đi tiên phong trong tạo ra sản phẩm phù điêu, tranh gốm cỡ lớn trong làng.
Người thợ tô màu cho bức tranh gốm. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Người thợ tô màu cho bức tranh gốm. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Theo bà Hòa, để tạo nên sản phẩm tranh gốm cần trải qua nhiều công đoạn từ dàn đất, tạo hình, cắt tranh, phơi tranh, nung, ghép tranh… Tuy nhiên, dù có cải tiến mẫu mã nhưng sản phẩm vẫn kế thừa các yếu tố truyền thống, chất liệu là đất sét đỏ nung và men da lươn hay màu ghi được lấy từ bột đất, cát, tro trấu. Riêng với tranh gốm, người thợ phải nung bằng lò ga cho bức tranh đất “chín” đều, không bị cong, vênh, tránh bụi, bẩn hay cháy đen.
Người thợ ghép các mảnh ghép để tạo thành bức tranh gốm hoàn chỉnh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Người thợ ghép các mảnh ghép để tạo thành bức tranh gốm hoàn chỉnh.
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Nhờ sự tinh tế, khéo léo của người thợ, hiện nay các sản phẩm gốm Phù Lãng không chỉ xuất hiện ở các thị trường trong nước mà còn có mặt trên các nước khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… với các sản phẩm phong phú đa dạng. Nhiều gia đình sản xuất chuyên môn hóa, theo đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài. Ngày nay, gốm mỹ nghệ mang lại diện mạo mới cho làng nghề, tạo công ăn việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.
Các mảnh tranh gốm được mang đi phơi trước khi cho vào lò nung. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
 Các mảnh tranh gốm được mang đi phơi trước khi cho vào lò nung. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Theo anh Nguyễn Minh Ngọc, chủ cơ sở gốm Ngọc, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, trước đây sản phẩm gốm đơn giản, giá thành thấp, nhưng đến nay nhờ đưa giá trị thẩm mỹ vào sản phẩm, giá thành được đẩy lên. Từ sản phẩm có giá hàng chục nghìn, đến nay các sản phẩm chủ yếu có giá hàng trăm nghìn, đặc biệt những sản phẩm cao cấp có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Thị trường cũng được mở rộng, từ chỉ xuất hiện gốm gia dụng ở các vùng nông thôn, ngày nay gốm Phù Lãng có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và ở nước ngoài. Trước đây gia đình anh chỉ bán được vài trăm sản phẩm mỗi tháng, nhưng đến nay anh có thể bán hàng nghìn sản phẩm.

Gốm được mang phơi trước khi vào lò nung. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
 Gốm được mang phơi trước khi vào lò nung. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Ông Nguyễn Tiến Nên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay xã Phù Lãng có khoảng 200/1996 hộ với khoảng 500 nhân khẩu tham gia vào sản xuất gốm. Mỗi năm làng nghề cho doanh thu hơn 80 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng doanh thu của cả xã. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, gốm Phù Lãng gặp nhiều khó khăn do làng nghề nằm sâu, xa đường quốc lộ nên hệ thống giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương, buôn bán. Bên cạnh đó, người dân vẫn làm ăn manh mún, chủ yếu do tự phát nên khi xuất khẩu sản phẩm sang nước ngoài, vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục, luật lệ… Bởi vậy, địa phương mong muốn được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để người dân yên tâm sản xuất.
Tạo hình lọ gốm. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
 Tạo hình lọ gốm. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Ông Đặng Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho hay, trong thời gian tới, huyện Quế Võ sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối các tuyến đường trong thôn với Quốc lộ 18, nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục quy hoạch quỹ đất hơn 30 ha cho làng nghề mở rộng quy mô sản xuất phát triển. Đồng thời, tăng cường giải pháp tuyên truyền người dân giữ nghề, xây dựng nhãn hiệu tập thể vì mục tiêu chung.
Công đoạn người thợ cho đất vào máy nhào cho mịn trước khi nặn tạo hình gốm. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Công đoạn người thợ cho đất vào máy nhào cho mịn trước khi nặn tạo hình gốm. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Từ một làng nghề đứng trước nguy cơ mai một, gốm Phù Lãng đang phát triển mạnh nhờ sự tìm tòi, sáng tạo của người dân nơi đây. Điều đó cho thấy nhờ hướng đi đúng đắn mà ngọn lửa yêu nghề sẽ không bao giờ tắt và được tiếp nối qua các thế hệ ở Phù Lãng.
Thanh Thương

Có thể bạn quan tâm