Làng đổi đời nhờ làm nên sợi mỳ trắng trong

Làng đổi đời nhờ làm nên sợi mỳ trắng trong
Đổi đời nhờ làm mỳ

Gần như mỗi hộ làm mỳ ở thôn Châu Sơn đều có một khoảng sân rộng, để dành cho việc phơi mỳ. Những sợi mỳ trắng muốt được phơi rủ xuống thành hàng đẹp mắt. Cả thôn Châu Sơn có hơn 50 hộ làm mỳ, mỗi hộ trung bình sản xuất ra 2 tạ/ngày cung cấp cho toàn thị trường miền Bắc. Sản xuất với khối lượng liên tục như vậy nên hoạt động của làng nghề ở đây bắt đầu từ rất sớm. Người và máy làm việc từ sáng tinh mơ cho đến chiều tối.

Anh Nguyễn Văn Trình, một hộ sản xuất mỳ trong thôn cho hay: Thôn Châu Sơn có diện tích nông nghiệp ít nhất xã, chỉ trồng lúa khoai sắn nên cuộc sống bấp bênh. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, người dân nơi đây đã học nghề làm mỳ để cải thiện thêm cuộc sống.

Những tưởng nghề làm mỳ chỉ là tự phát, quy mô nhỏ lẻ tranh thủ những lúc nông nhàn nhưng không ngờ chỉ vài chục năm sau nghề làm mỳ phát triển như hiện nay. Trước phải xay gạo bằng cối đá, tráng mỳ bằng xoong, đun bếp củi... Hiện giờ, nhà tôi cũng như các hộ đều đã đầu tư trên 40 triệu đồng mua sắm những dàn máy làm mỳ sử dụng điện, từ xay, ép bột và đùn mỳ.

Làng đổi đời nhờ làm nên sợi mỳ trắng trong ảnh 1
Người dân làng Châu Sơn không chọn công nghệ sấy khô sợi mỳ mà chọn cách hong khô tự nhiên bởi đó cũng là một phần bí quyết giúp cho sợi mỳ của làng được dai và thơm hơn. Ảnh: Lê San

Theo những người già trong làng, những năm 1990, khi có điện lưới về thôn, nghề làm mỳ mới bắt đầu phát triển. Đến năm 2007 có khoảng 20 hộ làm nghề. Nhưng quy mô nhỏ lẻ, sản xuất phụ thuộc vào mức độ tiêu thụ. Từ năm 2000 quy mô làm mỳ ở Châu Sơn gia tăng cả về số hộ và kỹ thuật sản xuất mỳ. Nhất là khi thôn được công nhận là làng nghề, sản lượng cũng tăng đáng kể, đầu ra cho sản phẩm được mở rộng hơn.

Làng mỳ Châu Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) công nhận nhãn hiệu mỳ gạo Châu Sơn (tháng 6/2016).

Kỳ công từ bàn tay nghệ nhân

Được sản xuất bằng phương pháp gia truyền nên dù không sử dụng các chất bảo quản thực phẩm, hàng the… nhưng mỳ Châu Sơn vẫn có độ giòn, dẻo, dai và thơm ngon. Đây là lý do khiến mỳ gạo Châu Sơn được ưa thích. Để làm được như vậy, người làm cũng phải trải qua nhiều công đoạn công phu.

Theo anh Nguyễn Văn Trình, đầu tiên là lựa chọn khắt khe ở nguyên liệu đầu vào. Gạo làm mỳ phải là gạo Khang Dân 18, kém hơn thì cũng phải là CR 203. Phải lấy những hạt gạo trắng trong, căng mẩy. Nguồn nước trong sạch được khơi từ giếng làng. Gạo được ngâm, vo hết nước đục mới đem cho vào máy xay, tiếp tục đưa sang bao kín, kích ép, lọc hết nước, cho vào máy đùn mỳ chín, xếp đống để ủ. Qua 15 đến 18 tiếng đồng hồ, mỳ mới được đưa ra bể rửa, dùng bàn chải sắt trải thẳng và phơi. Phơi một buổi từ sáng đến chiều là có thể đóng gói được, phơi mỳ cũng không được để quá khô vì dễ bị gãy, hao mỳ.

Các chất thải từ mỳ được tận dụng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hầu như các hộ làm mỳ đều xây hầm khí Biogas xử lý chất thải từ chăn nuôi, đảm bảo giữ vệ sinh môi trường sống. Hiện ở làng Châu Sơn cho ra sản lượng hơn 10 tấn mỳ/ngày cung cấp ra thị trường. Số nhân công làm thuê từ 3 - 5 người/lò. Thu nhập bình quân của những người lao động làm thuê nơi đây từ 3 - 5 triệu đồng/tháng/người. Còn các hộ sản xuất kinh doanh như gia đình anh Trình thì một năm cũng có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Doanh thu hàng năm từ nghề làm mỳ ở Châu Sơn trên 37 tỷ đồng.

Làng đổi đời nhờ làm nên sợi mỳ trắng trong ảnh 2
Mỳ được phơi khắp các khoảng sân rộng ở làng Châu Sơn Ảnh: Lê San
Mỳ gạo Châu Sơn là món ẩm thực bình dân, có thể chế biến thành nhiều món như lẩu, mỳ xào hay phở... Ai từng được thưởng thức mỳ Châu Sơn một lần chắc hẳn sẽ không quên màu trắng sữa, vị ngọt của gạo được trồng trên các chân ruộng cao ở vùng đất đồi, chịu được gió bão, sương sa. Đó chính là sự hòa quyện giữa gạo quê và nguồn nước trong lành, cùng với đôi bàn tay nghệ nhân làng nghề để làm nên đặc sản của một miền quê.

Đặc điểm nổi trội nhất của mỳ gạo là nếu chưa kịp ăn ngay khi để nguội vẫn không bị nát mà vẫn giữ được hương vị riêng. Bởi vậy, đặc sản mỳ gạo Châu Sơn ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, nức tiếng gần xa và dần khẳng định mình so với các loại mỳ khác.
Theo langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm