Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Yên Bái

Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Yên Bái

Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở Yên Bái được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Các mô hình, điển hình này góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.

* Những mô hình hay

Từ 1.000 mô hình đăng ký xây dựng ban đầu (năm 2009), đến nay, toàn tỉnh Yên Bái duy trì gần 4.500 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội với 173/173 xã, phường, thị trấn đều có mô hình. Trong các mô hình này, 912 tập thể, cá nhân được đánh giá là điển hình trong thực hiện phong trào. Các địa phương triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện công tác dân vận.

Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Yên Bái ảnh 1Các cán bộ của Tổ chức nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế hướng dẫn gia đình anh Mùa A Sinh ở bản Cu Vai, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu quy trình trồng và chăm sóc giống đào bản địa. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, tỉnh đã xây dựng được gần 1.600 mô hình “Dân vận khéo”, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm, gia súc, nuôi trồng thủy sản, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ...

Điển hình như mô hình sản xuất, chế biến quế hữu cơ theo chuỗi giá trị sản phẩm của Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam (xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên) với quy mô hơn 500 ha quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ quốc tế, tạo việc làm thường xuyên cho trên 80 lao động. Các sản phẩm từ quế, trong đó có sản phẩm quế điếu thuốc đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, được xuất khẩu ra 20 nước trên thế giới, tổng thu nhập của mô hình trong năm 2022 đạt 24 tỷ đồng. Mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất chế biến miến đao (xã Quy Mông, huyện Trấn Yên) hiện mở rộng được 4 cơ sở chế biến miến đao, 3 cơ sở chế biến tinh bột đao, sản lượng miến năm 2022 đạt 100 tấn, trị giá trên 6 tỷ đồng.

Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Yên Bái ảnh 2Thu hoạch sản phẩm quế tại gia đình ông Lâm Trung Thành ở thôn Nam Hồng, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Toàn tỉnh xây dựng 712 mô hình về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, 267 mô hình trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Nổi bật là công tác vận động toàn dân tham gia thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Công an huyện Trấn Yên. Năm 2022, Công an huyện đã vận động nhân dân giao nộp 77 khẩu súng tự chế, 19 vũ khí thô sơ, 2 công cụ hỗ trợ, 4 kíp nổ, 1.032 viên đạn các loại...

Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, các cấp, ngành, địa phương đã xây dựng, duy trì trên 1.900 mô hình. Tiêu biểu là mô hình vận động đồng bào dân tộc Mông “hạ sơn” của xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên; mô hình vận động nhân dân không sinh con thứ 3, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của thôn Chống Tầu, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu; mô hình “Ánh sáng nông thôn mới“ của thôn 6, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái…

Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác dân vận trong mô hình “Dịch rào hiến đất”, nhân dân đã tự nguyện hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất; ủng hộ gần 100 tỷ đồng để xây dựng 27 nhà văn hóa và 335 km đường giao thông nông thôn; tham gia trên 270.000 ngày công phát dọn, sửa chữa, vệ sinh 2.265 km đường làng, ngõ xóm; xây dựng mới 253 tuyến đường điện "Thắp sáng đường quê”; chăm sóc và trồng mới 595 tuyến đường hoa; trồng trên 15 nghìn cây xanh... góp phần đưa Yên Bái trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.

* Nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”

Từ nay đến năm 2025, Yên Bái phấn đấu 100% cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có ít nhất một mô hình “Dân vận khéo”. Các mô hình “Dân vận khéo” được rà soát, tổng kết đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để nhân rộng.

Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái, thông qua phong trào thi đua "Dân vận khéo”, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã nắm bắt kịp thời tình hình nhân dân, tâm tư, nguyện vọng, vấn đề nổi cộm, bức xúc trong quần chúng nhân dân; kịp thời phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo.

Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Yên Bái ảnh 3Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy tham gia trồng khoai sọ nương cùng đồng bào Mông ở thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Việc xây dựng, nhân rộng mô hình "Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh gắn liền với "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, toàn hệ thống chính trị đối với công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo”.

Để phong trào “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng, hiệu quả, theo ông Giàng A Chang, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trạm Tấu, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo mỗi xã, thị trấn xây dựng 10 mô hình; mỗi cơ quan, đơn vị xây dựng ít nhất một mô hình căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao. Phong trào lựa chọn tập trung vào những vấn đề đặt ra trong đời sống hằng ngày, có liên quan mật thiết, trực tiếp đến nhân dân, nhất là việc phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội…

Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Yên Bái ảnh 4Cán bộ Trung tâm dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trạm Tấu cùng người dân xã Xà Hồ kiểm tra chất lượng khoai sọ trước khi thu hoạch. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN

Năm 2023, huyện Trạm Tấu tiếp tục triển khai phong trào “Dân vận khéo” bằng việc tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình điển hình; công tác dân vận còn được gắn với xây dựng phong cách người cán bộ công chức, viên chức "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; đẩy mạnh phong trào thi đua, tổng kết, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Qua đó góp phần tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái Hoàng Thị Vĩnh cho biết, thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường nắm tình hình nhân dân; hướng dẫn cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ban tham mưu giúp Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo”, xây dựng mô hình "Dân vận khéo” hiệu quả gắn với công tác dân vận chính quyền; thường xuyên đôn đốc tổ chức, địa phương, đơn vị trong việc xây dựng các mô hình. Cùng với đó là thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua "Dân vận khéo” và thực hành dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội...

Việt Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm