Lần đầu tiên cây Lùng được cấp chứng chỉ FSC

Hơn 938 ha rừng lùng do 212 nhóm hộ dân tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) quản lý và khai thác đón nhận chứng chỉ FSC. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN
Hơn 938 ha rừng lùng do 212 nhóm hộ dân tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) quản lý và khai thác đón nhận chứng chỉ FSC. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Ngày 1/7, tại huyện Quế Phong (Nghệ An), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) phối hợp với UBND huyện Quế Phong tổ chức Hội thảo “Giới thiệu, công bố và đón nhận chứng chỉ FSC cho nhóm hộ tại huyện Quế Phong”.

Tham dự có đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Tổ chức FSC tại Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) và UBND huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), một số doanh nghiệp và người sản xuất Lùng tại Việt Nam.

Lần đầu tiên cây Lùng được cấp chứng chỉ FSC ảnh 1Hơn 938 ha rừng lùng do 212 nhóm hộ dân tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) quản lý và khai thác đón nhận chứng chỉ FSC. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Bước tiến cho ngành lâm sản Việt Nam

Ông Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ cho biết, chứng chỉ FSC là chứng chỉ được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương). Đồng thời, được cấp bởi Hội đồng quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council) nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững tài nguyên rừng, ngăn chặn việc khai thác rừng bừa bãi.

Lợi ích của chứng chỉ FSC là giúp cho việc kiểm soát tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường tốt hơn; thể hiện rõ sự quan tâm tới đời sống xã hội và kinh tế của con người, nhất là người dân bản địa sinh sống trong khu vực rừng; giảm thiểu những lãng phí trong việc sử dụng tài nguyên rừng không đúng cách; làm tăng giá trị của những mặt hàng và sản phẩm được công nhận bởi chứng chỉ FSC.

Việc được cấp chứng chỉ FSC cũng mở ra nhiều cơ hội cho nhóm nông hộ, nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh Nghệ An nói riêng và các tỉnh có Lùng ở nước ta nói chung. Quế Phong là địa phương đầu tiên tại Nghệ An nhận chứng chỉ FSC, đánh dấu bước tiến cho người khai thác rừng ở Nghệ An và ngành lâm sản Việt Nam.

Lần đầu tiên cây Lùng được cấp chứng chỉ FSC ảnh 2Lãnh đạo huyện Quế Phong (Nghệ An) trò chuyện, động viên các hộ dân trên địa bàn trồng, khai thác và quản lý rừng lùng một cách hiệu quả. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Ông Phan Văn Thắng cho biết thêm, cây Lùng được gọi là cây “nữ hoàng” của các loại cây tre trúc ở Việt Nam, có giá trị kinh tế rất lớn, phân bố chủ yếu ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình. Đây được coi là cây đặc hữu ở nước ta. Cây Lùng có đặc tính lóng dài, trong đó có những lóng dài tới 1,5m; cấu tạo sợi dài, mịn, trắng, rất phù hợp cho việc sản xuất các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp để xuất khẩu, đặc biệt là hàng mây tre đan.

Từ khi Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre và Nghêu ở Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ, được thực hiện bởi Oxfam và Trung tâm nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ ra đời đã chú ý đến cây Lùng của huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) và huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Dự án đưa vào thực hiện đã đem lại tác động rất lớn đối với phát triển bền vững rừng Lùng ở 2 tỉnh này, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Giá trị kinh tế từ cây Lùng đem lại cho người dân cao hơn so với các loài cây khác tại địa phương.

Một trong những mục tiêu quan trọng mà dự án đặt ra là làm thế nào để nâng cao, phát triển một cách bền vững chuỗi giá trị cây Lùng có chất lượng và hiệu quả cao, nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm cũng như nâng cao giá trị các sản phẩm tre.

Lần đầu tiên cây Lùng được cấp chứng chỉ FSC ảnh 3Hơn 938 ha rừng lùng do 212 nhóm hộ dân tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) quản lý và khai thác đã đón nhận chứng chỉ FSC. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Từ những mục tiêu đó, Trung tâm nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ và các đơn vị liên quan đã tập trung nghiên cứu và tổ chức thực hiện để xây dựng hồ sơ đề nghị tổ chức FSC của thế giới đánh giá và cấp chứng chỉ FSC cho cây Lùng.

Nâng cao giá trị kinh tế

Ông Bùi Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, huyện có diện tích đất lâm nghiệp 178.025,45 ha, diện tích có rừng 150.719,83 ha, độ che phủ rừng đạt 77,03%, người dân trên địa bàn chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trước đây khi chưa được cấp chứng chỉ FSC và chưa được giao đất, người dân khai thác chưa đúng quy trình, làm ảnh hưởng đến chất lượng cây Lùng, thậm chí xuất hiện cả tình trạng khai thác chặt cả bụi, dẫn đến làm suy thoái cây Lùng.

Lần đầu tiên cây Lùng được cấp chứng chỉ FSC ảnh 4Đại diện tổ chức GFA trao chứng chỉ FSC cho Ban đại diện nhóm 212 hộ dân trồng và khai thác rừng lùng tại huyện Quế Phong. Ảnh: Tá Chuyên - TTVVN

Tuy nhiên, sau khi được giao đất và dự án ra đời, cấp chứng chỉ FSC, rừng Lùng được người dân bảo vệ và thực hiện các quy trình về phục hồi rừng và khai thác rừng bền vững. Trước đây cây lùng nhỏ và bị suy thoái, sau khi có dự án, người dân được hướng dẫn chăm sóc đúng quy trình nên cây Lùng đem lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với trước.

Tính đến nay, dự án đã phối hợp hợp với chính quyền và các ban, ngành, bà con nông dân trên địa bàn huyện thành lập được 7 tổ, nhóm nông dân sản xuất, với 212 hộ thành viên, trên 898 nhân khẩu; trong đó, có hơn 60% thuộc độ tuổi lao động.

Dự án đã tổ chức được các khóa tập huấn nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ địa phương, đặc biệt là các tổ, nhóm đăng ký tham gia để đạt được chứng nhận FSC cho cây Lùng với các hoạt đồng như: Bảo vệ, chăm sóc, phục tráng, khai thác và vệ sinh rừng Lùng bền vững hướng tới tiêu chuẩn FSC… Đồng thời, dự án hỗ trợ các hoạt đồng như: Thành lập các tổ, nhóm, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng hoạt động tập thể cho các thành viên, công tác quản lý và vận hành tổ, nhóm và hỗ trợ kỹ thuật theo tiêu chuẩn FSC.

Lần đầu tiên cây Lùng được cấp chứng chỉ FSC ảnh 5Đại diện tổ chức GFA trao chứng chỉ FSC cho Ban đại diện nhóm 212 hộ dân trồng và khai thác rừng lùng tại huyện Quế Phong. Ảnh: Tá Chuyên - TTVVN

Ông Lương Đình Lân, Quản lý cấp cao Chương trình Sinh kế bền vững (Tổ chức Oxfam tại Việt Nam) cho biết, việc đạt được chứng chỉ FSC có ý nghĩa rất lớn cho cộng đồng địa phương và doanh nghiệp trong ngành tre. Rừng tre sẽ được quản lý và phát triển bền vững, FSC sẽ là giấy thông hành cho các sản phẩm tre của địa phương để xâm nhập vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, mang lại thu nhập cao và bền vững hơn cho người dân, doanh nghiệp trong ngành tre. Việc đạt được chứng chỉ FSC thể hiện tính hiệu quả của dự án, nỗ lực của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và đặc biệt người dân địa phương.

Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, đến nay vùng rừng Lùng nguyên liệu trên địa bàn huyện được cấp chứng FSC có diện tích 839,3 ha. Đại diện UBND huyện và Công ty Lâm sản Khánh Tâm cũng đã ký biên bản cam kết thu mua nguyên liệu đạt tiêu chuẩn FSC cho bà con trong vùng nguyên liệu được cấp chứng chỉ, qua đó nâng cao giá trị kinh tế từ 5 -10% so với trước.

Với những kết quả bước đầu đạt được, huyện Quế Phong cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân tham gia dự án; thúc đẩy và chỉ đạo sát sao các ban, ngành, chính quyền các cấp tham gia có trách nhiệm và hiệu quả các hoạt động của dự án nhằm quản lý rừng Lùng bền vững, tăng năng suất và chất lượng rừng Lùng nói riêng, ngành tre nói chung.

Ông Bùi Văn Hiền cho biết thêm, trước mắt huyện sẽ chỉ đạo tích cực nhằm tiếp tục mở rộng diện tích rừng Lùng được cấp chứng chỉ FSC với diện tích trên 1.000 ha và có khoảng 2.600 nhân khẩu được hưởng lợi trực tiếp tự dự án

Nguyễn Văn Nhật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm