Lâm Tấn Tài - người trọn đời vì nền nhiếp ảnh Việt Nam

Lâm Tấn Tài - người trọn đời vì nền nhiếp ảnh Việt Nam
Trải qua nhiều công việc khác nhau rồi tập kết ra Bắc, tháng 2/1966, ông Lâm Tấn Tài xung phong vượt Trường Sơn về miền Nam chiến đấu với nhiệm vụ là phóng viên chiến trường thuộc Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tẫn xã Việt Nam). 
 
Nhân dân TPHCM chào đón quân giải phóng trưa 30-4-1975. Ảnh: Lâm Tấn Tài
Nhân dân TPHCM chào đón quân giải phóng trưa 30-4-1975. Ảnh: Lâm Tấn Tài

Tại chiến trường, phóng viên Lâm Tấn Tài vừa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vừa thực hiện nhiệm vụ của phóng viên ảnh. Đáng nhớ nhất là Tết Mậu Thân năm 1968, khi tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam, phóng viên Lâm Tấn Tài đã anh dũng chiến đấu và ghi lại rất nhiều hình ảnh nhân dân Sài Gòn nổi dậy cùng quân giải phóng tấn công vào sào huyệt cơ quan đầu não của địch ở khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Cũng trong cuộc tiến công này, ông bị địch bắn trúng, hỏng một mắt và là lần duy nhất ông bị mất máy ảnh. Sau đó, ông được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị. Ngay khi vừa được mổ mắt xong, tuy sức khỏe vẫn còn rất yếu nhưng ông ý thức rằng nếu ở lại đây, chắc chắn sẽ bị địch bắt. Do đó, ông tìm cách trốn viện và nhận được sự cưu mang của người dân Sài Gòn trong suốt 2 tháng; đồng thời, được người dân giúp đỡ, đưa ông ra lại miền Bắc.

Suốt những năm sống, chiến đấu và làm việc, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia Lâm Tấn Tài đã luôn quý trọng từng giây phút, sẵn sàng hy sinh, cống hiến hết mình vì nhiệm vụ được giao. Đối với ông, dù ở bất kỳ đâu, trong hoàn cảnh nào, chiếc máy ảnh như một người bạn “tri kỷ”. “Dù thân thể có bị thương nhưng nhất quyết phải bảo vệ chiếc máy ảnh được toàn vẹn” - cô con gái Lâm Bích Thanh Thiên chia sẻ kỷ niệm về người cha.

Bởi tình yêu và sự tận tụy trong công việc, rất nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của ông đã ghi lại khoảnh khắc lịch sử đầy hào hùng của dân tộc như tác phẩm: “Thần tốc tiến về Sài Gòn”, “Công binh mở đường Trường Sơn cho xe qua”, “Vượt Trường Sơn”, “Biệt động Sài Gòn”, “Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân”... là những bằng chứng mang giá trị sử liệu quý giá.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhiếp ảnh gia Lâm Tấn Tài là một trong những “cánh chim” đầu đàn, có nhiều đóng góp trong việc xây dựng nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Ông tham gia Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1996, cuộc thi ảnh quốc tế đầu tiên tại Việt Nam do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAAP) tổ chức, trong đó ông là thành viên Ban Giám khảo, đã góp phần kết nối nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam đến với thế giới. Đồng thời, ông còn có sáng kiến tổ chức Liên hoan Ảnh nghệ thuật từ các tỉnh đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ…, đưa phong trào sáng tác nghệ thuật nhiếp ảnh trở nên toàn diện, rộng khắp hơn.

Trong suốt gần 50 năm trọn vẹn với sự nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam, nghệ sĩ Lâm Tấn Tài đã vinh dự được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như: Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí cách mạng Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp phát triển Văn học Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật…

Kể về những ký ức về người cha quá cố, cô con gái “rượu” Lâm Bích Thanh Thiên chia sẻ: Mỗi người sinh ra đều có một “nhiệm vụ” phải hoàn thành. Với ba tôi, “nhiệm vụ” của ông chính là truyền tải thông điệp bằng hình ảnh về cuộc sống, đất nước và con người Việt Nam trong thời kỳ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển nền nhiếp ảnh nước nhà khi đất nước hòa bình, thống nhất. 

"Phong cách sống, học tập và lao động cần, kiệm, liêm, chính của ông mãi mãi là tấm gương sáng, soi rọi mọi nẻo đường mà chúng tôi tiếp bước", Lâm Bích Thanh Thiên bộc bạch.
Gia Thuận
TTXVN

Có thể bạn quan tâm