Làm kinh tế ở Mù Cang Chải

Làm kinh tế ở Mù Cang Chải
Tỉnh Yên Bái có hơn 3.400 ha cây táo mèo. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN
 Tỉnh Yên Bái có hơn 3.400 ha cây táo mèo. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN
Sau trận lũ quét lịch sử, chúng tôi trở lại huyện vùng cao Mù Cang Chải, nơi tập trung nhiều cánh rừng sơn tra (thường gọi là táo mèo) ở khu vực núi cao. Kỹ sư Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Mù Cang Chải vượt gần 30 km đèo dốc về Nậm Khắt, nơi có diện tích cây sơn tra tương đối lớn, được coi là cây xóa nghèo của đồng bào Mông. Trong năm 2016, toàn xã trồng mới hơn 102 ha, tăng diện tích cây sơn tra lên 662 ha; dự kiến trong những năm tới sẽ thêm 600 ha nữa. Với giá bán lên đến 35 nghìn đồng/kg, hiện có gần 500 ha cho thu hoạch, hộ nào trồng nhiều, vào vụ cũng thu về cả tấn quả. Sản lượng này giúp người dân có thêm thu nhập, tạo điều kiện cho con cái đi học. Cây sơn tra trở thành một trong những cây trồng chính, giúp xóa đói, giảm nghèo của đồng bào các DTTS huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, hai địa phương trồng nhiều nhất của tỉnh. Đây cũng là cây chủ lực trong trồng rừng, mang lại lợi ích kép ở vùng cao Yên Bái. Nhờ có hoa cây sơn tra, cả xã Nậm Khắt có hơn 1.500 thùng ong lấy mật. Mật ong ở đây thơm, vàng sánh, vắt ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Các hộ ông Giàng Khua Sở, Vàng A Khày, Giàng Khua Khày hằng năm thu gần chín tấn mật, đem lại cả tỷ đồng là những mô hình điển hình phát triển kinh tế. Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Giàng A Tông khẳng định: "Ngoài trồng sơn tra, việc chuyển đổi trồng ngô trên đất dốc trên ruộng bậc thang thiếu nước thay thế lúa nương, là thành công lớn của huyện. Với 4.200 ha ngô xuân hè, năng suất đạt 34,3 tạ/ha, sản lượng hơn 14 nghìn tấn, tư thương về mua tại chân ruộng nương. Người dân thấy hiệu quả cho nên hăng hái trồng. Năm vừa rồi, huyện trồng 450 ha cải dầu, 20 ha lúa mì, 100 ha gừng thử nghiệm, bước đầu có kết quả tốt". Cây cải dầu khi ra hoa rất đẹp, khách du lịch chụp ảnh trả tiền cho chủ ruộng. Đến vụ thu hoạch, hạt cải dầu có giá 15 nghìn đồng/kg, cũng được bao tiêu hết. Các khu vườn rừng ở Mù Cang Chải được bảo vệ nghiêm ngặt, không cho người dân vào chăn thả trâu, bò. Quy ước của các bản: Làng Sang, Làng Minh, Páo Khắt... có thông tin rõ ràng, nhưng điều quan trọng là phải lấy sức dân là chính, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng bào tự làm 3,5 km đường băng cản lửa, cử tổ tuần tra nắm tình hình và trực tại chín điểm có nguy cơ cháy rừng cao vào mùa khô, không cho kẻ xấu vào trộm quả. Gặp Lý A Sử, một trong 20 tri thức trẻ của tỉnh Yên Bái về làm phó chủ tịch các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa. Sử là Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt từ năm 2012, nay trưởng thành, được bầu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ và đại biểu HĐND xã. Lý A Sử cho biết, thử thách khi làm việc ở xã có toàn bộ số dân người Mông như Nậm Khắt đó là vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 11 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được; trong đó, huy động mở đường vào bản Hủa Khắt được 5,5 km; tám trong số chín bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ dân số tự nhiên giảm còn 1,2%; xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế. Hơn 46 nghìn ha rừng các loại được Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải ký hợp đồng bảo vệ rừng với người dân. Người dân được hưởng lợi từ tiền nhận khoán và dịch vụ môi trường rừng gần 35 tỷ đồng. Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải Nguyễn Anh Phương cho biết, đời sống của người làm rừng ở đây được cải thiện đáng kể. Ban quản lý chi trả hơn 616 nghìn đồng/ha với lưu vực sông Đà; hơn 188 nghìn đồng/ha đối với lưu vực sông Hồng, lưu vực Nậm Tha là 71.550 đồng/ha... Đây là nguồn thu nhập đáng kể; đồng thời, cũng giúp người dân hiểu và có ý thức hơn trong việc bảo vệ và phát triển vốn rừng. Tình trạng phá rừng, đốt nương, làm rẫy được hạn chế. Trong bảy tháng đầu năm 2017, toàn huyện không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Dưới tán rừng đại ngàn, người dân còn trồng xen hơn 1.500 ha thảo quả. Đợt rét hại lịch sử đầu năm 2016 làm chết phần lớn diện tích thảo quả, cho nên năm nay, giá thương lái thu mua lên tới 50 nghìn đồng/kg quả tươi. Nhiều hộ có cơ hội giàu lên từ rừng. Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải với hơn 800 ha trải dài từ La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đến Púng Luông, Nậm Có... mùa nào cũng thu hút khách du lịch. Qua đèo Khau Phạ cao hơn 1.500 m với độ dài gần 30 km, đã hiện ra những thửa ruộng bậc thang như những bậc thang bước lên trời, làm đắm say du khách. Tháng 9 vừa qua, Tuần văn hóa du lịch, lễ hội khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang được tổ chức, đã đón hàng nghìn du khách tham quan. Tại Mù Cang Chải, những mô hình du lịch cộng đồng, người dân cùng tham gia đón khách, phát triển du lịch đang được nhân rộng. Các hoạt động này ngày càng thay đổi bộ mặt các bản làng vùng đồng bào DTTS nơi đây. Trước mắt, Mù Cang Chải còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xóa bỏ hủ tục. Với sự đồng thuận cao của đồng bào, sự quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền cùng với những chính sách đặc thù, những dự án hỗ trợ của Đảng, Chính phủ đối với miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, hy vọng Mù Cang Chải có nhiều cơ hội để ngày một khởi sắc và phát triển đi lên.
Theo:nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm