Làm giàu từ những sản vật biển khơi

Làm giàu từ những sản vật biển khơi
Sinh ra trong gia đình có 8 anh em, lại là con đầu nên từ nhỏ chị The đã phải bươn chải làm lụng để phụ giúp gia đình. Năm 1979, chị lập gia đình nhưng do chồng đi bộ đội xa, một mình chị ở nhà nuôi con nhỏ cùng bố mẹ chồng già yếu. Mùa hè, chị đến tận các ghe thuyền để mua cá về làm mắm và ruốc. Hai quang gánh theo đôi bàn chân chị rong ruổi đi khắp các huyện gần xa trong tỉnh để bán nước mắm.  Năm 1986, chị xin vào Nha Trang làm giúp việc cho các cơ sở chế biến nước mắm để học việc. Chị The tâm sự: Ngày ấy, tôi muốn học cách làm mắm nhưng vì điều kiện kinh tế không thể học được nên xin vào làm giúp việc cho các cơ sở chế biến để học hỏi. Tôi chú ý từ cách chế biến, bảo quản, phương pháp muối và lọc… để tăng thêm kiến thức cho bản thân. Tôi cũng hi vọng rằng sau này mình có thể mở được một cơ sở chế biến thủy sản, làm giàu từ chính sản vật quê hương của mình”. 
Làm giàu từ những sản vật biển khơi ảnh 1
Vận chuyển cá lên bờ để tiêu thụ. Ảnh: Bùi Trường Giang-TTXVN
Ấp ủ ước mơ từ gánh hàng rong, chị cần mẫn tích cóp dần dần để rồi năm 2006 chị mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng và hội phụ nữ số tiền gần 230 triệu đồng để mở Cơ sở chế biến thủy sản Phụng The sản xuất các mặt hàng như: Nước mắm, ruốc, cá khô, mắm nêm… Chị đầu tư xây dựng nhà xưởng, âu, bể lọc nước mắm, mua nguyên liệu, kho lạnh, mua sắm dụng cụ… Những năm đầu hoạt động, cơ sở của chị gặp rất nhiều khó khăn khi chưa có đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng bằng đức tính cần mẫn, chịu thương, chịu khó, trên chiếc xe máy cũ mới sắm được chị chở sản phẩm đi các huyện gần xa để bán và quảng bá sản phẩm.  Nhớ lại những tháng ngày ấy chị The kể: Mới đầu do chưa có đầu ra, hàng không bán được, ngồi nhìn đống hàng trong kho mà tôi ứa nước mắt. Tự dặn lòng phải cố gắng lên ngày trước với đôi gánh hàng rong khổ là vậy mình còn vượt qua được thì hôm nay phải mạnh mẽ cố gắng hơn. Nghĩ sao làm vậy, tôi lặn lội chở hàng đi khắp nơi trong tỉnh để chào bán và ký gửi. Từ các hộ dân, chợ đầu mối đến nhà hàng, khách sạn hay cơ sở kinh doanh chỗ nào tôi cũng đến vừa bán, vừa tặng để quảng bá sản phẩm và tạo mối quan hệ. Dần dà khi người tiêu dùng thấy chất lượng hàng mình tốt và tin tưởng sản phẩm bắt đầu tiêu thụ mạnh.  Trời không phụ lòng người, từ những khó khăn ban đầu, đến nay cơ sở của chị hàng năm mang lại lợi nhuận từ 150-200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ và 7 lao động thường xuyên với số tiền công khoảng 200.000 đồng/ngày. Chị còn giúp đỡ cho gia đình 2 người làm công thoát khỏi diện hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Mùa hè, cơ sở của chị thu mua từ 10-15 tấn/tháng để làm nguyên liệu để chế biến. Đặc biệt vào năm 2010 khi chị đăng ký thương hiệu riêng thì trung bình 1 tháng cơ sở chị xuất khoảng 3-5 tấn hàng ra thị trường. Sản phẩm của chị được tiêu thụ mạnh không chỉ ở trong tỉnh mà được bán ở các tỉnh khác như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.  Chị Lê Thị Huyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Cửa Việt cho biết: “Chị The là người đảm đang, năng động sáng tạo từ việc nhà đến phát triển kinh tế. Chị là tấm gương phụ nữ tiêu biểu để những người khác noi gương học theo…”.  Niềm tự hào lớn nhất của chị The chính là 5 người con đều học đại học, trong đó 4 người đã có việc làm ổn định, người con út hiện đang học ngành y ở Huế. Chị chia sẻ: Ngày xưa gia đình đông anh em nên tôi phải nghỉ học từ sớm để phụ gia đình. Tôi đã tự dặn lòng mình rằng sau này dù khó khăn vất vả bao nhiêu đi nữa cũng phải cố gắng để cho con cái học hành thành tài. Hiểu được tâm nguyện và khó khăn của mẹ nên các con đã cố gắng học tập tốt, bây giờ đều có việc làm ổn định, đây chính là thành quả lớn nhất của cuộc đời tôi”.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm