Làm gì để nông dân thoát cảnh “được mùa, mất giá”?

Làm gì để nông dân thoát cảnh “được mùa, mất giá”?

Là một đất nước nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều ngành hàng nông sản, từ: Lúa gạo, cà phê, cho đến thủy, hải sản... Các ngành hàng này đang đóng vai trò như những xương sống của ngành nông nghiệp trong nước. Tuy đã đạt được nhiều thành tựu không nhỏ, nhưng về bản chất, các ngành hàng nông sản vẫn còn mang nhiều đặc trưng của một nền sản xuất nông nghiệp tự cấp, tự túc. Khi bước vào nền sản xuất hàng hoá, hầu hết các ngành hàng nông sản trong nước luôn gặp rất nhiều khó khăn.

 Cần chiến lược dài hơi để chấm dứt tình trạng nông sản "được mùa, mất giá" như hiện nay (Ảnh: HNV)

Cần chiến lược dài hơi để chấm dứt tình trạng nông sản "được mùa, mất giá" 
như hiện nay (Ảnh: HNV)

Những chiến dịch rộng rãi kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong “giải cứu” dưa hấu rồi đến hành tím… vừa qua cũng phần nào bước đầu khắc phục khó khăn ban đầu cho người nông dân. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những biện pháp “tình thương”, giải pháp "tấm lòng" mang tính chất tình thế, là hoạt động mang tính nhân đạo từ thiện. Và xét đến cùng, việc hỗ trợ như vậy cũng không phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường.

Đối với ngành hàng nông sản, biểu hiện thường thấy, đồng thời là căn bệnh kinh niên nhiều năm qua chính là: Được mùa, mất giá; được giá, mất mùa; trồng nhiều rồi chặt, hết chặt lại trồng ồ ạt... Vì thế, cho đến nay, các ngành hàng nông sản chưa bao giờ thực sự phát triển bền vững. Và... chúng ta vẫn ở tình thế loay hoay trong điệp khúc “được mùa, mất giá” này.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng công nghệ sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản mặc dù có được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Ngoài ra, quá trình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp hiện nay vẫn chủ yếu theo mô hình hộ cá thể, gây khó khăn trong nâng cao năng lực sản xuất và ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị. Đặc biệt, sự liên kết giữa "4 nhà" còn nhiều bất cập và hạn chế; trong đó, vai trò nhạc trưởng là Nhà nước vẫn chưa thể hiện mạnh mẽ, chưa phân rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của địa phương trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch sản xuất trên thực tế.
 

Có nhiều phân tích khác nhau về tình trạng loay hoay như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, người viết xin đề cập tới một số giải pháp được cơ quan có trách nhiệm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công Thương đề xuất, cũng như một số giải pháp được các chuyên gia nông nghiệp nhất trí cần triển khai.

Thứ nhất, để khắc phục, cần một chiến lược phát triển tổng thể. Trên cơ sở đó, Nhà nước, mà trước hết là các bộ, ngành cần cơ cấu lại hệ thống tổ chức và quản lý của từng ngành hàng. Thêm nữa, phải xây dựng và thực hiện tốt chiến lược phát triển tổng thể cho từng ngành hàng theo từng quy mô và cấp độ khác nhau (cấp quốc gia, cấp địa phương...). Đồng thời, không ngừng tham khảo và học tập kinh nghiệm của những nước có những ngành hàng nông sản phát triển như: Thái Lan, Trung Quốc... với một tinh thần thực sự cầu thị.

Thứ hai, phải làm tốt khâu thị trường, tổ chức lại sản xuất rồi sau đó tiến hành xây dựng, củng cố thương hiệu nông sản. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản cần phải biết nhu cầu của các thị trường một cách chi tiết, cụ thể và tỉ mỉ; sau đó, tổ chức vùng nguyên liệu, đặt hàng nông sản xuất giống nào, tỷ lệ thuần bao nhiêu, tiêu chuẩn, dư lượng thuốc trừ sâu,... rồi xem xét đến giá cả.

Thứ ba, nhanh chóng khắc phục tình trạng ở nhiều địa phương, nông dân thấy lợi nhuận trước mắt sẵn sàng bỏ quy hoạch, dẫn đến cung vượt cầu. 
 

Về phía Bộ Công Thương cần thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các mặt hàng trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển hệ thống thương mại nội địa, nhất là hệ thống phân phối, lưu thông giúp tiêu thụ tốt hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, trên cơ sở tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng chuyển giao khoa học - công nghệ từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, đặc biệt đối với khâu bảo quản nông sản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới, nâng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Thiết nghĩ, giải pháp gì thì điều quan trọng vẫn là sự vào cuộc và chung tay thực sự của toàn thể xã hội, của các cấp, các ngành liên quan, cũng như sự tự thân vận động của mỗi nông dân. Khi làm được như vậy, tin rằng, chúng ta sẽ thực sự phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, khắc phục cách làm manh mún, nhỏ lẻ, khiến cho chính chúng ta rơi vào trạng thái “gậy ông đập lưng ông”, “được mùa, mất giá” như hiện nay./. 

Theo DCSVN

Có thể bạn quan tâm