Lâm Đồng tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh. Theo quy định này, hạn mức cho thuê môi trường rừng tối thiểu là 10 ha, tối đa là 100 ha với thời gian cho thuê tối đa không quá 30 năm.

Lam Dong tam thoi cho thue moi truong rung de kinh doanh du lich sinh thai hinh anh 1Du lịch dã ngoại trong khu vực thuê môi trường rừng tại Làng Cù Lần. Ảnh: dalattrip.com

Theo Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 của UBND tỉnh Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thì chủ rừng cho thuê là các ban quản lý rừng, vườn Quốc gia, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp. Đối tượng được thuê là mọi tổ chức, cá nhân trong nước có nguồn lực và nhu cầu thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Theo quy định này, tỉnh Lâm Đồng cũng đề ra 6 nguyên tắc cho thuê môi trường rừng như: vừa đảm bảo thực hiện tốt quản lý, bảo vệ rừng, vừa phát huy hiệu quả môi trường rừng, tăng thu nhập cho tổ chức, cá nhân, nhà nước. Việc cho thuê rừng phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của đơn vị chủ rừng đã được phê duyệt. Tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che phục vụ hoạt động kinh doanh tùy thuộc diện tích đất trống và diện tích thuê.

Cụ thể với diện tích từ 10 - 30 ha, tỷ lệ công trình mái che không quá 3% tổng diện tích thuê, diện tích thuê từ 30 - 60 ha thì tỷ lệ công trình không quá 2,5%... Với trường hợp có từ 2 tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị thuê một địa điểm thì sẽ tổ chức đấu giá cho thuê môi trường rừng…

Cũng theo quy định này, mức giá cho thuê môi trường rừng do các bên tự thỏa thuận, nhưng không thấp hơn 1,5% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê. Tiền thu được từ hoạt động cho thuê là nguồn thu của nhà nước, đồng thời được cân đối và trích tỷ lệ phù hợp, cấp lại cho chủ rừng để hoạt động quản lý việc cho thuê môi trường rừng. Thẩm quyền các dự án này do UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở kết quả thẩm định và đề xuất của Hội đồng thẩm định…

Trong những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã trở thành “thủ phủ” của du lịch canh nông, du lịch dưới tán rừng, sau khi những chính sách của địa phương khuyến khích đầu tư loại hình du lịch mới mẻ này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều chủ dự án thực hiện không đúng quy định của nhà nước, thậm chí vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng.

Theo báo cáo số 508/BC-SNN ngày 31/12/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn toàn tỉnh có 329 dự án do 314 doanh nghiệp, hộ gia đình được giao, thuê đất lâm nghiệp để đầu tư triển khai dự án trên đất rừng.

Tổng diện tích đất được các tổ chức, cá nhân trên sử dụng là 52.956 ha. Nhưng tại nhiều dự án đã xảy ra tình trạng các chủ đầu tư các dự án trên không triển khai; triển khai chậm tiến độ; không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý bảo vệ diện tích rừng được thuê; để rừng bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn. Một số đơn vị khác thì tự nguyện trả lại dự án.

Trước tình trạng trên, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức thu hồi 194 dự án với diện tích đất lâm nghiệp 29.676 ha. Trong số đó, có 159 dự án với diện tích 25.467 ha phải thu hồi toàn bộ; 35 dự án với diện tích 4.209 ha thu hồi một phần…

Chu Quốc Hùng

Tin liên quan

Du lịch sinh thái - hướng bảo tồn bền vững các vườn chim tại Cà Mau

Bên cạnh các khu bảo tồn tự nhiên, nhiều vườn chim tại Cà Mau được hình thành tự nhiên tại các hộ gia đình. Để công tác bảo tồn các vườn chim phát huy hiệu quả, tỉnh Cà Mau đã có nhiều giải pháp nhằm hài hòa lợi ích của người dân. Trong đó, phát triển mô hình du lịch sinh thái được xem là hướng đi bền vững và thực tế.


Nâng cao chất lượng hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia U Minh Thượng

Để từng bước đưa du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương, trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, Vườn Quốc gia U Minh Thượng tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hoạt động du lịch.


Tà Long tìm hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

Cách thành phố Đông Hà gần 70km, xã Tà Long (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) có hệ thống ghềnh thác, khe suối chảy quanh co giữa những khu rừng già, cùng thảm thực vật phong phú, đa dạng và quý hiếm đã tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch khám phá…


Tạo cảnh quan xanh mát, bảo vệ môi trường tại Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen

Sáng 17/9, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Kon Tum phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND hai huyện Kon Plông, Kon Rẫy tổ chức Lễ phát động ra quân trồng gần 2.000 cây thông ba lá, phủ xanh 12 km hai bên đường đèo Măng Đen. Đây là hoạt động nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.



Đề xuất