Lâm Đồng tạm dừng cho phép đầu tư các điểm du lịch canh nông

Trong những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã trở thành “thủ phủ” của loại hình du lịch canh nông nhờ chính sách khuyến khích đầu tư của địa phương.

Tuy nhiên, do thiếu các quy định và hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành ở Trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện nên UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có chủ trương tạm thời chưa chấp thuận việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, theo văn bản số 7420/UBND- XD ngày 8/9/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và các địa phương trong tỉnh tạm thời chưa xem xét việc chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Điểm du lịch canh nông trên địa bàn toàn tỉnh; yêu cầu chủ đầu tư các Điểm du lịch canh nông tạm dừng việc xây dựng cho đến khi có chỉ đạo của UBND tỉnh.

Lam Dong tam dung cho phep dau tu cac diem du lich canh nong hinh anh 1Công trình Vườn Thượng Uyển Bay trên khu đất thuộc diện quy hoạch đất rừng phòng hộ của thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: TTXVN

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng… cùng các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc kiểm tra, rà soát báo cáo thực trạng đầu tư các công trình trên đất, diện tích chiếm đất, mật độ xây dựng, tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch canh nông… Từ đó. các sở này cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo một số vấn đề có liên quan đến các dự án, mô hình đầu tư Điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đồng bộ và phù hợp với quy định hiện hành. Báo cáo đề xuất này thực hiện trong tháng 10/2020.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch canh nông. Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình du lịch canh nông thu hút sự quan tâm của du khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ đó, mô hình du lịch này đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng thu nhập của người nông dân, tăng giá trị tổng hợp của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, du lịch canh nông là mô hình mới, chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể của các bộ ngành ở Trung ương về tiêu chí xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỷ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp…

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhận được nhiều văn bản đề nghị hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện dự án của các Điểm du lịch canh nông từ phhisa một số nhà đầu tư như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ du lịch Fresh Đà Lạt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rau và Hoa Đà Lạt… Tuy nhiên, qua nghiên cứu, xem xét, tỉnh chưa thấy có các quy định, hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành ở Trung ương để đưa vào thực hiện.

Từ năm 2018, tỉnh Lâm Đồng bắt đầu có chủ trương phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, trong đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển du lịch canh nông phù hợp với ưu thế nông nghiệp công nghệ cao và chủ trương đổi mới ngành du lịch của tỉnh Lâm Đồng. Để “chuẩn hóa” du lịch canh nông, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình “tuyến du lịch canh nông”, “điểm du lịch canh nông”. Sau khi kiểm tra, rà soát và đánh giá các điểm du lịch, đến năm 2020, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã công nhận 32 Điểm du lịch canh nông đạt chuẩn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều Điểm du lịch canh nông thực hiện không đúng quy định của Nhà nước, thậm chí vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép…

Chu Quốc Hùng

Tin liên quan

Du lịch canh nông – Hướng đi mới của ngành du lịch Lâm Đồng

Những năm gần đây, nhằm thu hút du khách, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung phát triển mô hình du lịch canh nông (DLCN). Đây là loại hình du lịch mới vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức hút cho du lịch, vừa quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân.


Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực tạo diện mạo mới cho các vùng nông thôn nước ta. Đặc biệt, nhiều vùng nông thôn đã có cơ sở hạ tầng thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là ở các làng nghề truyền thống trên khắp đất nước. Khi phát triển du lịch, các khu vực nông thôn sẽ có thêm nguồn lực tiếp tục thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới nhanh, bền vững hơn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa gốc của nông thôn.


Du lịch canh nông thu hút khách đến Đà Lạt

Cùng với các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu như rau, hoa, trà B’Lao – Bảo Lộc, du lịch canh nông ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã trở thành sản phẩm cạnh tranh, có lợi thế, tạo thành thương hiệu. Với những lợi thế sẵn có, nhiều nông dân, trang trại đã biến nơi sản xuất của mình, trở thành điểm đến cho khách du lịch thăm thú, chụp ảnh.


Làng Đô thị Xanh - Hướng đi mới du lịch Đà Lạt

Ngày 23/4, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo về “Làng Đô thị Xanh Đà Lạt” - có các chuyên gia quốc tế và chuyên gia đầu ngành của Việt Nam, đơn vị tư vấn nước ngoài về lĩnh vực tăng trưởng “xanh”, với 20 bài tham luận làm rõ các khái niệm, đưa ra các tiêu chí… đóng góp cho “Làng Đô thị Xanh Đà Lạt” - mở ra một góc nhìn mới về thành phố Đà Lạt - “Đô thị Du lịch Xanh”…



Đề xuất