Lâm Đồng hành động vì mục tiêu 200 mô hình kinh tế tập thể công nghệ cao

Mô hình một HTX trồng rau tại tỉnh Lâm Đồng .Ảnh: baolamdong.vn
Mô hình một HTX trồng rau tại tỉnh Lâm Đồng .Ảnh: baolamdong.vn

Tỉnh Lâm Đồng bắt đầu triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn toàn tỉnh. Chương trình đặt ra 6 mục tiêu lớn, trong đó có mục tiêu xây dựng trên 200 mô hình kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.

Lâm Đồng hành động vì mục tiêu 200 mô hình kinh tế tập thể công nghệ cao ảnh 1Mô hình một HTX trồng rau tại tỉnh Lâm Đồng .Ảnh: baolamdong.vn

Theo Chương trình hành động kèm theo Quyết định số 2191/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng, các mục tiêu khác đặt ra đến năm 2030 là có 6 liên hiệp hợp tác xã, 804 hợp tác xã, 584 tổ hợp tác; tỷ lệ hợp tác xã khá, giỏi đạt trên 70% trở lên, không còn hợp tác xã tồn tại hình thức; 100% cán bộ quản lý hợp tác xã được qua các lớp bồi dưỡng kiến thức về hợp tác xã và pháp luật liên quan; có trên 50% tổng số tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể khác; thu nhập bình quân của một lao động trong khu vực kinh tế tập thể tăng từ 10-15%/năm.

Trong định hướng phát triển, tỉnh Lâm Đồng khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm chủ lực của từng địa phương; phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế tập thể trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát triển các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, tập trung vào các ngành nghề truyền thống, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm; phát triển các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ…

Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Lâm Đồng đặt ra 8 giải pháp thực hiện. Đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hợp tác xã; đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh hợp tác xã; phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên trong phát triển kinh tế tập thể; tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng, triển khai một số chương trình, đề án trọng điểm hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có 3 Liên hiệp hợp tác xã nghiệp với 18 hợp tác xã thành viên; 335 hợp tác xã nông nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Trong số 297 hợp tác xã đang hoạt động, có 245 đơn vị hoạt động hiệu quả với lợi nhuận bình quân khoảng 295 triệu đồng/năm. Tỉnh hiện có 51 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao với diện tích trồng trọt 796ha. Một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú, Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến, Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Huy, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào…

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm