Lâm Đồng đầu tư 20 tỷ đồng chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Lâm Đồng đầu tư 20 tỷ đồng chuyển đổi nông nghiệp bền vững

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra Quyết định số 398/QĐ-UBND, phê duyệt kế hoạch chi tiết dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Lâm Đồng (VnSAT) năm 2022.

Theo kế hoạch này, tỉnh Lâm Đồng sẽ chi 20,058 tỷ đồng để thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững trong hợp phần phát triển cà phê bền vững.

Trong khoản đầu tư trên có 17,738 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA vay nước ngoài và 70 triệu đồng là vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Khoản tiền này sẽ sử dụng để thực hiện hợp phần C1- Hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất và quản lý cà phê bền vững. Các hợp phần D1- Quản lý dự án D1 và Giám sát đánh giá D2 sẽ sử dụng 2,25 tỷ đồng là vốn đối ứng trong nước.

Năm 2015, UBND tỉnh Lâm Đồng bắt đầu triển khai Kế hoạch tổng thể Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) giai đoạn 2015- 2020 với tổng đầu tư 9,178 triệu USD (tương đương 197,3 tỷ đồng); trong đó, nguồn vốn ODA nước ngoài đầu tư 5,777 triệu USD, vốn đối ứng 1,663 triệu USD và vốn tư nhân đóng góp 1,738 triệu USD. Nội dung đề án gồm Hợp phần C- Phát triển cà phê bền vững và Hợp phần D- Quản lý dự án.

Sau năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ra Quyết định 404/QĐ-UBND, điều chỉnh kế hoạch tổng thể dự án giai đoạn 2015- 2022. Tổng số tiền đầu tư cho dự án từ 197,3 tỷ đồng gia đoạn 2015- 2020 đã được nâng lên trên 211 tỷ đồng giai đoạn 2015- 2022; trong đó, mỗi năm sẽ có quyết định Phê duyệt Kế hoạch chi tiết dự án.

Dự án này gồm có 5 Tiểu dự án nâng cấp đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất cà phê bền vững liên vùng của các xã Đạ Đờn- Nam Hà (huyện Lâm Hà), xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh), xã Lộc Đức (huyện Bảo Lâm), xã Liêng Srônh (huyện Đam Rông) và xã ĐạmB’ri- Lộc Phát (thành phố Bảo Lộc). Ngoài ra, còn các tiểu dự án hỗ trợ nông dân giai đoạn 2016- 2020; các tiểu dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng công 2021- 2022…

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích trồng cà phê lên tới gần 74.000 ha, đứng thứ 2 cả nước chỉ sau Đắk Lắk; trong đó, diện tích cà phê đạt chứng nhận Rainforest Alliance (Chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững) là hơn 21.000ha, chứng nhận 4C với diện tích hơn 53.000ha. Với những cao nguyên như Di Linh, Bảo Lộc, Đà Lạt… độ cao từ 800 – 1500m, điều kiện tự nhiên của Lâm Đồng rất phù hợp để phát triển cây cà phê.

Tuy là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích, song cà phê Lâm Đồng có năng suất bình quân và sản lượng cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, Lâm Đồng có vùng sản xuất cà phê chè Cầu Đất - Đà Lạt được các tổ chức quốc tế đánh giá có chất lượng thuộc nhóm đầu trên thế giới. Hiện tại, giá trị ngành cà phê chiếm 60% ngành nông nghiệp Lâm Đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động… .

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm