Lâm Đồng: Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng

Bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Đến ngày 15/9, trên địa bàn tỉnh có khoảng 150 ca mắc bệnh tay chân miệng. Các ca bệnh xuất hiện tại các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng như Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm...

Tại Trường Mầm non Phù Mỹ (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên), lớp Họa Mi từ 18 - 24 tháng tuổi có hơn 10 cháu có các biểu hiện của bệnh tay chân miệng phải nghỉ học vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Trước tình hình trên, ngành y tế đã tổ chức khám rà soát tổng quát cho 264 cháu tại trường, qua đó phát hiện có 10 trường hợp nhiễm bệnh tay chân miệng.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm: Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo ngành chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh tay chân miệng; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly điều trị kịp thời.

Ngoài bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết cũng đang bùng phát trở lại tại Lâm Đồng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 15/9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 330 ca mắc sốt xuất huyết, xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, tập trung chủ yếu tại các huyện Bảo Lâm, Đức Trọng và Đạ Tẻh.

Để tránh bệnh bùng phát thành dịch, ngành y tế Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân diệt loăng quăng và phòng trừ muỗi đốt, phát hiện sớm các ca bệnh.

Đặng Tuấn

Tin liên quan

Bình Thuận đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2020 đến nay, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 và chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhưng trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên địa bàn, ngành Y tế Bình Thuận triển khai đồng bộ các biện pháp để hạn chế bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh.


Đắk Lắk: Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong trường học

Hiện tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, viêm não nhật bản, sốt xuất huyết… trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đây là thời điểm học sinh bắt đầu năm học mới, đòi hỏi ngành giáo dục và các đơn vị liên quan phải chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tạo môi trường học tập an toàn cho học sinh.


Người mắc sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế để điều trị

Tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực phía Nam nói chung, bệnh sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp khi số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng dần. Dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, đỉnh dịch năm nay sẽ rơi vào tháng 10-11 với số người mắc không cao như những năm trước nhưng người dân không nên chủ quan với dịch bệnh này. Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo, khi mắc sốt xuất huyết, người dân cần đến cơ sở y tế để điều trị, tránh trường hợp lo ngại COVID-19 đưa vào bệnh viện quá muộn khiến bệnh có diễn tiến nguy hiểm.


Người dân có biểu hiện sốt xuất huyết cần khám kịp thời, không tự ý sử dụng thuốc tại nhà

Thống kê của ngành Y tế Khánh Hòa, từ đầu năm đến ngày 3/6, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.850 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, tháng 5/2020 có số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng gấp 3 lần (từ 50 - 80 ca/tuần) so với các tháng trước (10-30 ca/tuần), tập trung ở hai thành phố Nha Trang và Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh.



Đề xuất