Lai Châu tích cực phủ xanh đồi núi trọc

Lai Châu tích cực phủ xanh đồi núi trọc
Nhân dân Bản Lướt, xã Mường Kim (Than Uyên) trồng rừng. Nguồn ảnh: baolaichau.vn
Nhân dân Bản Lướt, xã Mường Kim (Than Uyên) trồng rừng.
Nguồn ảnh: baolaichau.vn

Những ngày đầu xuân, chính quyền Lai Châu cùng người dân náo nức ra quân thực hiện phong trào trồng cây gây rừng. Khắp các bản làng, những cánh rừng được trồng thêm đã xanh lại càng xanh hơn. Nhiều cánh rừng lớn đang từng ngày, từng giờ phát triển thêm về diện tích, góp phần giữ nước, tạo môi trường sống cũng như phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo. Từ công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ, người dân được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trưởng rừng, trồng và thu hoạch thảo quả dưới tán rừng.

Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, để những cánh rừng ngày càng thêm xanh, công tác trồng rừng luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách thiết thực, gắn hoạt động phủ xanh đồi núi trọc với việc trồng các loại cây mang lại lợi ích kinh tế cho người dân; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trồng rừng, làm tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, tỉnh Lai Châu ưu tiên dành một phần ngân sách địa phương đầu tư chính sách cho công tác trồng rừng, triển khai trồng nhiều loại cây đem lại lợi ích kinh tế cao như cây quế, sơn tra, mắc ca; vừa đảm bảo độ che phủ, vừa tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh còn chỉ đạo cơ quan chuyên môn cử cán bộ phối hợp với địa phương hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; tổ chức ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng đến từng hộ dân; từ đó tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế từ rừng một cách bền vững.

Tỉnh Lai Châu có 434.521 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 416.381 ha, 18.000 ha rừng trồng. Theo kế hoạch năm 2017, toàn tỉnh triển khai trồng 2.461 ha rừng (2.090 ha quế, 371 ha sơn tra), trồng rừng thay thế 881 ha; song đã đến nay thực hiện vượt mức, trồng được gần 5.000 ha rừng, trong đó có 2.495 ha quế, 423 ha sơn tra, 645,9 ha mắc ca. Để có được kết quả này, tỉnh xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng là hướng đi quan trọng để giảm nghèo bền vững. Nhờ làm tốt công tác giữ rừng, đồng bào được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chính sách hỗ trợ khác và khai thác nguồn lợi từ rừng. Tỉnh Lai Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa cùng tham gia giữ rừng và chung sức phủ xanh đồi núi trọc.

Huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu không chỉ nổi tiếng với những cây trồng như lúa, cây ăn quả, những mô hình kinh tế mà còn là vùng đất nhiều tiềm năng với những cánh rừng xanh tốt. Trên cung đường dốc cao, ngoằn ngoèo vào xã Nậm Sỏ, nhiều trảng rừng trồng mới đang đâm chồi tươi tốt. Đây là thành quả của hệ thống chính trị, cũng như sự đồng lòng người dân trong việc biến các diện tích đất hoang hóa, nương trồng ngô, lúa kém hiệu quả thành cây lâm nghiệp. Đặc biệt, từ dự án trồng rừng thay thế, người dân được Nhà nước hỗ trợ cây giống: quế, sơn tra… và hướng dẫn kỹ thuật rồng, chăm sóc.

Ông Giàng A Dũng, bản Ngăm Ca, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên là người tiên phong đăng ký tham gia dự án trồng rừng thay thế cây sơn tra. Hiện nay đồi cây của ông đã được 2 năm tuổi, cao gần đầu người. Nếu được chăm sóc, bảo vệ tốt thì chỉ khoảng 2 đến 3 năm nữa sẽ cho thu hoạch. Ông Dũng chia sẻ: Trước đây gia đình ông quanh năm chỉ trông chờ vào diện tích lúa nương với năng suất thấp. Từ khi chuyển đổi sang trồng rừng, cuộc sống gia đình ông được cải thiện nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước về giống, kỹ thuật và nguồn tiền từ dịch vụ chi trả môi trường rừng mang lại; giúp gia đình cũng như hộ dân trong vùng yên tâm chăm sóc rừng.

Vài năm trở lại đây, Than Uyên (Lai Châu) được biết đến là huyện đạt nhiều thành tích trong công tác bảo vệ rừng, trồng rừng khá tốt với tỷ lệ che phủ rừng đạt 33,76%. Chỉ tính riêng năm 2017, huyện Than Uyên trồng mới 626,69 ha rừng, đạt 125,3% kế hoạch UBND tỉnh Lai Châu giao; trong đó có 530,13ha quế và 96,56 ha sơn tra với tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Ông Nguyễn Văn Thăng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên cho biết: Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng, Phòng đã tham mưu cho huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng tới nhân dân; triển khai hỗ trợ kịp thời các chế độ, chính sách cho người tham gia trồng rừng; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên xuống cơ sở vận động, hướng dẫn cộng đồng thôn bản, hộ gia đình tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng.

Nhờ trồng rừng mới, đồng bào dân tộc dần hình thành ý thức chăm sóc, bảo vệ để rừng trồng ngày càng phát triển, tạo bước đột phá, thay đổi tập quán canh tác truyền thống kém hiệu quả sang phương thức sản xuất mới là thâm canh tăng năng suất từ trồng rừng. Những chính sách kịp thời, đúng đắn của tỉnh Lai Châu và sự vào cuộc tích cực của người dân trong công tác trồng rừng đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 48,16% trong năm 2017, tăng 12,96% so với năm 2004; từ đó cải thiện môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào các dân tộc tại địa phương.
 
Việt Hoàng 

Có thể bạn quan tâm