Lai Châu tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Người dân  thường xuyên dọn vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết. Nguồn: baolaichau.vn
Người dân thường xuyên dọn vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết. Nguồn: baolaichau.vn

Hiện nay là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Nam và một số tỉnh miền Trung trong những tuần gần đây. Tại tỉnh Lai Châu, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển, nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết. Nhằm chủ động phòng, chống, hạn chế thấp nhất số ca mắc, UBND tỉnh Lai Châu ban hành công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh; đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống, xử lý triệt để các ổ bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.

Lai Châu tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ảnh 1Người dân thường xuyên dọn vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: baolaichau.vn

Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có ổ bệnh cũ, có nguy cơ bùng phát dịch; tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân; tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, chỉ đạo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chuyển tuyến kịp thời, an toàn.

Sở cũng tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca diễn biến nặng (nếu có); củng cố hoặc thành lập mới hoạt động của nhóm điều trị sốt xuất huyết và đường dây điện thoại nóng phòng, chống sốt xuất huyết tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại trừ ổ lăng quăng, bọ gậy một cách hiệu quả.

Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách phù hợp để người dân hiểu được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết; tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng; chủ động thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi loăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển; tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 12 cao điểm trong tháng 6 - 7 năm 2022.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế tham mưu đảm bảo kinh phí kịp thời cho các đơn vị y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch theo quy định, không để sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, kéo dài trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo và huy động các cơ quan, ban, ngành tại địa phương, chính quyền cấp xã phối hợp với cơ quan y tế triển khai chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, đảm bảo tất cả các khu vực, hộ gia đình tại vùng có dịch, có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu như bị muỗi vằn (có nhiều khoang trắng ở chân và lưng) mang mầm bệnh đốt. Sốt xuất huyết dạng nhẹ có thể gây phát ban, sốt cao; dạng nặng thì có thể gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột, khiến người bệnh tử vong nhanh chóng. Bệnh này hiện chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang xảy ra rải rác. Ngành Y tế Lai Châu khuyến cáo người dân không chủ quan với bệnh, cần dọn dẹp sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng ở nơi làm việc, sinh sống; không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi; lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến, cọ rửa và thay nước lọ hoa, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng. Đồng thời, người dân có thể sử dụng bình xịt, nhang muỗi, thuốc xịt hoặc thoa để xua muỗi, mặc quần áo dài tay, khi ngủ mắc màn... để tránh muỗi đốt; thường xuyên theo dõi sức khỏe hàng ngày, khi phát hiện có biểu hiện của bệnh cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm