Lai Châu: Người dân mong muốn có chính sách hỗ trợ linh hoạt cho học sinh vùng mới thoát nghèo

Lai Châu: Người dân mong muốn có chính sách hỗ trợ linh hoạt cho học sinh vùng mới thoát nghèo

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh. Thế nhưng, năm học 2021-2022, hơn 17.350 học sinh Lai Châu không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ như: Tiền ăn bán trú, sách giáo khoa, học phí… vì số học sinh này đều ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Lai Châu: Người dân mong muốn có chính sách hỗ trợ linh hoạt cho học sinh vùng mới thoát nghèo ảnh 1Năm học 2021-2022, hơn 17.350 học sinh Lai Châu không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ vì các xã thuộc diện thoát nghèo khi học sinh các xã này đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.  

Trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, nhiều gia đình mất thu nhập ổn định đang gây khó khăn về kinh tế, việc không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về giáo dục sẽ ảnh hưởng tới công tác huy động học sinh đến lớp và tỷ lệ chuyên cần của các nhà trường.

Còn nhiều khó khăn

Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), khu vực II (xã khó khăn), khu vực I (xã thoát khỏi khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới) của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh Lai Châu có 29 xã đã thoát khỏi xã khó khăn và đặc biệt khó khăn do các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Lai Châu có 97 trường học với hơn 17.350 học sinh trên địa bàn không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ như trước đây. Năm nay, do không còn nhận được hỗ trợ, không ít phụ huynh học sinh đã thắc mắc khi các chính sách giáo dục mới được triển khai.

Trước đây, học sinh thuộc xã khu vực II và III được thụ hưởng nhiều hỗ trợ của Nhà nước như: Tiền ăn bán trú, sách giáo khoa, học phí… Thế nhưng, theo quy định khi các xã thuộc khu vực II và III thoát nghèo, đạt chuẩn nông thôn mới, các khoản hỗ trợ này sẽ không còn nữa. Đặc biệt là khoản hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh.

Chị Lý Phương Thảo, dân tộc Dao ở bản Na Sa Phìn, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ bộc bạch: " Lúc mới nghe tin các con năm nay không được hưởng chính sách hỗ trợ như trước, tôi thắc mắc vì sao năm trước được mà năm nay lại không được. Sau khi nhà trường và cán bộ xã giải thích, tôi đã hiểu và đồng thuận chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, do năm nay không bán được chuối, không có thu nhập, kinh tế gia đình rất khó khăn.

Theo chị Thảo, trước đây, Nhà nước hỗ trợ cho con mình suất ăn bán trú là gần 600 ngàn đồng/tháng và 15 kg gạo. Giờ khoản này không được hỗ trợ nữa, gia đình phải nộp 400 ngàn đồng/tháng và 10 kg gạo khi cho con học bán trú ở tại Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ. Những năm trước, chuối dễ bán và bán với giá cao, mỗi chuyến chuối thu về 5-6 triệu đồng. Hiện nay, một chuyến chuối không đủ hai bát bún. Chị lo lắng vì từ những tháng sau không biết lấy tiền đâu để đóng cho con đi học. Chị Thảo mong muốn Nhà nước tiếp tục có chính sách đặc thù hỗ trợ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới.

Gia đình chị Tẩn Sa Lẩy, dân tộc Dao, bản San Thầu 2, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ có hai con đang theo học tại Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho. Dịch COVID-19 xảy ra khiến cả hai vợ chồng không có thu nhập. Hai con đi học mỗi tháng đóng 800 nghìn đồng và 20 kg gạo. Do không có tiền nộp cho con ăn bán trú tại trường, hàng ngày, chị mang cơm nhà đi cho con và đưa đón con về. Chị Lầy chia sẻ, chị định không cho con đi học nữa nhưng thấy hai cháu thích đi học nên vẫn đưa đến trường. Giờ chị chỉ mong muốn được hỗ trợ như những năm trước, như vậy đỡ phần nào cho gia đình.

Lai Châu: Người dân mong muốn có chính sách hỗ trợ linh hoạt cho học sinh vùng mới thoát nghèo ảnh 2Từ năm học 2021-2022, 457 học sinh Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ khi xã này đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.    

Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, có 457 học sinh của 13 bản thuộc 2 xã Ma Ly Pho, Huổi Luông. Trong đó, có 372 em học sinh chuyển từ vùng III, II về vùng I và không còn được hưởng chính sách hỗ trợ về sách giáo khoa, giấy vở viết, tiền ăn ở bán trú tại trường… Căn cứ vào số tiền hỗ trợ bán trú của Nhà nước trước đây (mỗi học sinh được hỗ trợ gần 600 nghìn đồng và 15kg gạo/tháng), nhà trường thống nhất với phụ huynh học sinh đóng 400 nghìn đồng và 10kg gạo/tháng cho những học sinh ở xa có nhu cầu ăn ở tại trường.

Cô giáo Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học này, nhà trường có sự thay đổi lớn trong công tác nuôi dưỡng học sinh bán trú. Đa số các học sinh không được hưởng hỗ trợ ăn, ở bán trú như trước, gây ảnh hưởng đến việc huy động học sinh ra lớp. Trước khó khăn đó, ngay sau khi kết thúc năm học trước, nhà trường đã tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh hiểu về chính sách Nhà nước thay đổi. Cơ bản phụ huynh đồng thuận, có sự chuẩn bị đóng góp cho con em ăn ở bán trú dân nuôi. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã huy động được 100% số học sinh ra lớp theo kế hoạch và 80% phụ huynh đảm bảo thực hiện nộp các khoản.

Thế nhưng, hiệu trưởng này cũng lo lắng vì thời gian gần đây khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, nguồn thu nhập của nhân dân không ổn định, sẽ ảnh hưởng đến việc đóng tiền cho con ăn ở tại trường, mặc dù người dân đồng thuận cao.

Lai Châu: Người dân mong muốn có chính sách hỗ trợ linh hoạt cho học sinh vùng mới thoát nghèo ảnh 3 Việc học sinh không còn hưởng chính sách gây khó khăn cho các trường trong công tác huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.  

Năm 2019-2020, trên địa bàn huyện Phong Thổ có hai xã Ma Ly Pho, Huổi Luông được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Do vậy, toàn huyện có hơn 1.380 học sinh các cấp không còn hưởng các chế độ chính sách như năm học trước. Huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có 5 xã, thị trấn chuyển từ vùng II về vùng I. Năm học này, huyện có hơn 650 học sinh các cấp không còn hưởng chế độ chính sách. Việc học sinh không còn hưởng chính sách gây khó khăn cho các trường trong công tác huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số. Thậm chí, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không được hưởng chính sách, nguy cơ bỏ học giữa chừng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Cần có chính sách đặc thù

Tại huyện Phong Thổ, có hơn 1.380 học sinh các cấp không còn hưởng các chế độ chính sách từ năm học mới 2021-2022. Chính quyền địa phương, ngành Giáo dục huyện đã chủ động tuyên truyền đến người dân, thực hiện linh hoạt các giải pháp để người dân hiểu và cho con em đến trường đầy đủ.Theo ông Nguyễn Vương Hùng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, năm học này, khó khăn lớn nhất của ngành là các em không còn hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ học tập tại các nhà trường, gây khó khăn trong việc huy động học sinh đến trường. Để duy trì việc dạy và học, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện Phong Thổ tổ chức họp với chính quyền các xã, các trường bàn giải pháp tối ưu, phù hợp với hoàn cảnh của các gia đình.

Lai Châu: Người dân mong muốn có chính sách hỗ trợ linh hoạt cho học sinh vùng mới thoát nghèo ảnh 4Rất cần có 1 chính sách đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích học sinh vùng cao vừa mới thoát nghèo tiếp tục đến trường. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với chính quyền các xã, đơn vị trường học đến từng hộ gia đình tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu. Mặt khác, vận động cha mẹ học sinh quan tâm đến con em mình bằng việc mua sắm giấy vở viết và sách giáo khoa để các cháu đến trường. Phòng chỉ đạo các trường thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp, chẳng hạn như với gia đình khó khăn về tiền mặt có thể nộp nhu yếu phẩm khác (rau, bí, hoa quả, chất đốt) để bổ sung kinh phí, nhằm đảm bảo công bằng cho các em cùng học tập, sinh hoạt trong trường.

"Thuận lợi lớn nhất của huyện là người dân hai xã Ma Ly Pho, Huổi Luông những năm qua nhờ trồng chuối, sắn nên thu nhập của bà con khá ổn. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới thu nhập của bà con. Thế nhưng, thông qua việc tuyên truyền, vận động ý thức của bà con được nâng cao, đến nay, 80% các em học sinh được cha mẹ nộp kinh phí cho nhà trường để ăn ở bán trú tại trường. Các em còn lại được cha mẹ đưa đón trong ngày, đem theo cơm trưa ăn tại trường", ông Nguyễn Vương Hùng cho biết thêm.

Tại huyện Sìn Hồ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phạm Văn Phôi cho rằng, nhiều phụ huynh học sinh vẫn chưa kịp thích ứng với chính sách giáo dục mới khi con em mình đến trường không còn được hỗ trợ như các năm trước. Vì vậy, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường tuyên truyền, giải thích, vận động người dân hiểu rõ chính sách và đưa con em đến trường. Phòng Giáo dục mong muốn tỉnh Lai Châu có chính sách đặc thù hỗ trợ tiền ăn cho những học sinh dân tộc thiểu số thuộc diện thoát nghèo trên địa bàn.

Với những thay đổi về chính sách, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh về cơ hội cũng như những khó khăn trước mắt, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thích nghi đi học không còn hưởng chính sách hỗ trợ. Tuy đã được các nhà trường tuyên truyền, nhưng đây là giai đoạn đầu mới chuyển giao từ xã khó khăn sang xã nông thôn mới, nhiều gia đình chưa có chuẩn bị các điều kiện để cho các con tham gia học tập.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đinh Trung Tuấn khẳng định, Sở tiếp tục chỉ đạo các trường sát sao, gần gũi với phụ huynh học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn của các gia đình, kịp thời có hướng giải quyết. Mặt khác, để kịp thời tham mưu chính sách hỗ trợ học sinh, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn rà soát những học sinh gặp khó khăn trong giai đoạn đầu mới chuyển từ khu vực III, II sang khu vực I, để đề xuất với UBND tỉnh xem xét ban hành một số chính sánh đặc thù, phù hợp, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để các em tham gia học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.

Tại các vùng đặc thù ở Lai Châu, một số người dân vẫn còn tâm lý trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc thay đổi nhận thức này của bà con cần phải được tuyên truyền, thực hiện khéo léo, linh hoạt để nhận được sự đồng thuận khi những chính sách của Nhà nước được triển khai.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm