Lai Châu làm tốt công tác bảo vệ rừng mang lại môi trường trong lành và lợi ích kinh tế

Lai Châu làm tốt công tác bảo vệ rừng mang lại môi trường trong lành và lợi ích kinh tế
Người dân khu 9, thị trấn Than Uyên, thường xuyên kiểm tra làm cỏ, phát quang dọn thực bì phòng chống cháy rừng. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Người dân khu 9, thị trấn Than Uyên, thường xuyên kiểm tra làm cỏ, phát quang dọn thực bì phòng chống cháy rừng. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Dẫn chúng tôi thăm những cánh rừng xanh ngút ngàn, ông Cầm Văn Pản, Bí thư Chi bộ Khu 9, thị trấn Than Uyên cho biết, rừng xanh tốt như ngày hôm nay là có sự góp sức của bà con trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Trước đây, người dân chưa hiểu rõ lợi ích từ bảo vệ nên phá rừng bừa bãi. Đến nay, nhiều người ý thức rõ giữ rừng tốt sẽ được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mang lại nguồn nước tưới sản xuất, chống sạt lở đất đá. Bây giờ, trách nhiệm mỗi người dân trong khu đối với công tác bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của thị trấn.

Dưới tán rừng có cây thông, cây mỡ xanh tốt, bà con trong Khu 9 đang chuẩn bị dụng cụ đi phát dọn thực bì. Cùng tham gia có cấp ủy chính quyền khu, cán bộ thị trấn xuống hướng dẫn cách làm đường băng cản lửa, thu gom, đốt thực bì theo đúng quy trình. Bà con còn được tuyên truyền về Luật Bảo vệ và phát triển rừng; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng... Qua đó người dân hiểu nắm rõ, ý thức hơn trong giữ rừng, coi đó là tài sản chung của gia đình, dòng họ, khu dân cư.

Đi tiên phong gương mẫu trong công tác giữ rừng là Bí thư Chi bộ Cầm Văn Pản với việc trồng hơn 2 ha rừng cây thông, cây mỡ. Ngoài việc trồng rừng, gia đình ông cùng bà con tham gia khoanh nuôi, chăm sóc toàn bộ diện tích rừng của khu. Ông Pản tâm sự: "Nhân dân đã hiểu việc khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc và bảo vệ rừng sẽ có nhiều cái lợi từ chính sách của Đảng, Nhà nước. Khi rừng phát triển xanh tốt, không chỉ giúp bà con có thêm thu nhập tiền hỗ trợ bảo vệ, mà rừng mang lại môi trường trong lành, đảm bảo nguồn nước ổn định để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tôi tích cực vận động bà con trong khu cùng thực hiện trồng và giữ rừng”.

Chị Cầm Thị Liên, Khu 9, thị trấn Than Uyên khẳng định, có giữ rừng tốt, rừng mới mang lại nguồn nước quý giá phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, điều hòa khí hậu. Bây giờ có thêm tiền hỗ trợ từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, không chỉ riêng gia đình chị mà bà con trong khu phấn khởi hơn nêu cao ý thức tham gia vào công tác khoanh nuôi, bảo vệ, phòng cháy rừng.

Hiện nay, Khu 9 có 112 hộ, 484 nhân khẩu với 96% dân tộc Thái sinh sống. Khu có 300 ha rừng (trong đó 100 ha rừng sản xuất của các cá nhân) luôn được chăm sóc, bảo vệ tốt, không có tình trạng chặt phá, đốt rừng. Mỗi năm, với diện tích rừng của Khu 9 (thị trấn Than Uyên) nhận được khoảng 150 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Để giữ rừng xanh tốt, cấp ủy, chính quyền của Khu 9 cùng Ban Công tác Mặt trận thường xuyên tuyên truyền đến người dân về công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Đồng thời thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng của khu với 12 thành viên; phối hợp cán bộ kiểm lâm địa bàn trực, tuần tra, bảo vệ phòng cháy chữa cháy rừng. Đến nay, bà con của khu đã xây dựng hương ước, quy ước, ký cam kết trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Những người vi phạm đốt rừng hay chặt cây,để gia súc phá hoại sẽ bị phạt hành chính và đưa ra kiểm điểm, đánh giá vào cuối năm.


Ông Nguyễn Văn Lương, Bí thư Đảng ủy thị trấn Than Uyên cho biết, bà con Khu 9 giữ rừng rất hiệu quả. Diện tích rừng đầu nguồn phát triển tốt, việc chặt phá, xâm hại, đốt rừng không có; nhận thức từng người dân trong bảo vệ, chăm sóc ngày càng tốt hơn. Bên cạnh việc giữ rừng, bà con tích cực tự mua cây giống về trồng phát triển thêm diện tích rừng đầu nguồn mang lại nhiều lợi ích.

Cùng với việc làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, hàng năm, Khu 9 tích cực tham gia trồng rừng nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Tham gia trồng rừng, bà con được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và sau này nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ giữ rừng tốt, đảm bảo duy trì nguồn nước, người dân tích cực chuyển đổi đưa giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh sản xuất, mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Khu 9 chỉ còn 3 hộ nghèo. Làm tốt công tác giữ rừng, đời sống vật chất tinh thần của bà con trong khu 9 được nâng cao, giúp cải thiện môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Việt Hoàng 

Có thể bạn quan tâm