Lai Châu khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Lai Châu khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản
Người dân được hướng dẫn trồng cây lạc xen canh với cây chè hiệu quả kinh tế. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Người dân được hướng dẫn trồng cây lạc xen canh với cây chè hiệu quả kinh tế. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Vì vậy, tỉnh Lai Châu đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, trên địa bàn tỉnh đã hình thành trên 2.000 ha lúa đặc sản địa phương như: Séng cù, Tẻ râu, Nếp tan co giàng… Cùng với đó, cây chè được trồng nhân rộng cũng đã khẳng định vị thế theo hướng gắn với các nhà máy chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị thương mại cao. Với tổng diện tích trồng trên 6.000 ha, sản lượng chè búp tươi đã đạt trên 28.000 tấn và trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, cây quế, mắc ca cũng được tỉnh chú trọng đưa vào trồng tập trung tại một số địa phương với diện tích trên 1.800 ha mắc ca, 5.500 ha quế.
Mô hình trồng ổi bà con xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Mô hình trồng ổi bà con xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cho biết, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay đã đưa được nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và sản lượng tăng nhanh. Tuy nhiên, việc sản xuất chủ yếu hiện chỉ dừng lại ở quy mô hộ, nhỏ lẻ, sản phẩm không đồng đều về mẫu mã và chất lượng, sức cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao và thiếu bền vững. Sự liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến và đặc biệt tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và thị trường tiêu thị hàng nông sản chưa ổn định… Tháng 8/2019, tỉnh Lai Châu ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Theo đó, nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách với ưu đãi hỗ trợ như: chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, đào tạo tập huấn và giống vật tư, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, tham gia chuỗi liên kết gắn tiêu thụ sản phẩm… Nguồn vốn sử dụng từ vốn Trung ương, vốn ngân sách tỉnh được lồng ghép như: xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu nông nghiệp gắn giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; đào tạo nghề… Theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, về hạ tầng phục vụ liên kết được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị và xây dựng nhà xưởng, kho sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mức hỗ trợ được cấp thẩm quyền phê duyệt không quá 10 tỷ đồng/dự án. Hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn được hỗ trợ một lần với 100% các chi phí như tuyên truyền, tham quan học tập kinh nghiệp, tập huấn, phát triển thị trường, kinh phí thuê gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội trợ… “Việc ban hành chính sách đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Trung ương và phù hợp thực tiễn địa phương để khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, tổ chức tham gia. Chính sách được ban hành sẽ góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về đất đai, đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa đồng nhất về mẫu mã và chất lượng”, ông Hà Trọng Hải khẳng định.
Người dân huyện Tam Đường (Lai Châu) thu nhập ổn định nhờ việc chọn phát triển cây chè chất lượng cao Kim Tuyên. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Người dân huyện Tam Đường (Lai Châu) thu nhập ổn định nhờ việc chọn phát triển cây chè chất lượng cao Kim Tuyên. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Tại xã Hua Nà, huyện Than Uyên có diện tích tự nhiên 2.555 ha với 658 hộ, 3.294 khẩu, kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng giá trị  trên đơn vị diện tích canh tác. Nổi bật là mô hình trồng lúa Séng cù theo hướng hàng hóa với trên 60 ha, trồng ổi Đài Loan với 10 ha, bưởi da xanh hơn 7 ha...đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho bà con, xóa đói giảm nghèo bền vững. Để thúc đẩy liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, từ năm 2018 đến nay xã Hua Nà đã triển khai dự án “Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu, dự án đã gắn kết được giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã để ổn định đầu ra cho 2 sản phẩm ổi, bưởi, gạo Séng cù; hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lực, chia sẻ rủi ro trong quá trình sản xuất. Chủ tịch UBND xã Hua Nà, huyện Than Uyên Lù Văn Chiến chia sẻ: “Việc sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm là rất cần thiết nhằm phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nhờ liên kết này, nông dân mới xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị kinh tế. Chính quyền cũng đề nghị tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp về cơ chế chính sách để các đơn vị này thực sự là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong liên kết, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn”.
Việt Hoàng

Có thể bạn quan tâm