Lai Châu khai thác thế mạnh thúc đẩy kinh tế vùng cao biên giới

Mô hình trồng chanh leo tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng
Mô hình trồng chanh leo tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu về việc thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã biên giới Lai Châu có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.

Lai Châu khai thác thế mạnh thúc đẩy kinh tế vùng cao biên giới ảnh 1Mô hình trồng chanh leo tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng

Huyện Phong Thổ nằm ở phía Bắc của tỉnh Lai Châu với 17 xã, thị trấn. Trước đây, sản xuất nông nghiệp của huyện còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu theo hình thức “tự cung, tự cấp”, giá trị kinh tế mang lại còn khiêm tốn. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, của trung ương và của tỉnh Lai Châu đầu tư, nhiều chương trình, dự án, mô hình phát triển kinh tế của huyện Phong Thổ đang đổi thay từng ngày.

Theo số liệu thống kê, huyện Phong Thổ hiện có 14 xã được áp dụng triển khai theo Nghị quyết bao gồm: Lản Nhì Thàng, Huổi Luông, Hoang Thèn, Ma Li Pho, Bản Lang, Dào San, Tung Qua Lìn, Pa Vây Sử, Mồ Sì San, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Mù Sang, Nậm Xe và Sin Suối Hồ.

Ngay từ những ngày đầu triển khai, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND các xã tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết; tập trung vào triển khai các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai từng vùng để phát triển nông nghiệp với các loại cây: lúa, quế, chè, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc…

Điển hình như Lản Nhì Thàng là xã cửa ngõ của huyện Phong Thổ, tiếp giáp với xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu. Nơi đây, đất đai khá màu mỡ; giao thông thuận tiện là điều kiện giao thương hàng hóa phát triển. Để phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lai Châu, nhân dân trong xã tập trung gieo cấy lúa mùa, lúa nương theo đúng khung lịch thời vụ, với các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt.

Ông Trịnh Khắc Tấn, Chủ tịch UBND xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết, riêng từ đầu năm đến nay, người dân trong xã đã gieo cấy được 15 ha lúa nương (đạt 100% so với kế hoạch); năng suất 13,5 tạ/ha, sản lượng đạt 27 tấn. Ngoài ra, còn gieo cấy được 162 ha lúa mùa, hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt; mở rộng riện tích trồng chè tập trung từ 138,59 ha (năm 2020) lên 156,17 ha (năm 2022). Đa số chè trồng ở các bản: Tô Y Phìn, Hồng Thu Mông, Cung Mù Phìn.

Hiện nay, diện tích chè cho kinh doanh là 44 ha, năng suất đạt 38 tạ/ha. Đối với cây ăn quả, xã trồng, chăm sóc 37,2 ha chuối, 40,3 ha cây ăn quả lâu năm khác, nâng tổng diện tích cây ăn quả của xã lên 77,5 ha. Từ các cây trồng, người dân có thêm thu nhập chi tiêu sinh hoạt gia đình.

Lai Châu khai thác thế mạnh thúc đẩy kinh tế vùng cao biên giới ảnh 2Người dân bản Hoang Thèn, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đầu tư chuồng trại để phát triển đàn vật nuôi. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Tại xã biên giới Vàng Ma Chải, nơi có diện tích đồng cỏ rộng, bên cạnh việc trồng trọt xã đã chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Công tác chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi được xã tăng cường thực hiện. Hiện nay, toàn xã có 804 con trâu (tăng 34 con so với cùng kỳ năm 2021), 2.542 con lợn (tăng 42 con), đàn gia cầm 8.886 con (tăng 1.086 con)… Điều này đảm bảo nguồn thực phẩm tiêu dùng, cung cấp thịt thương phẩm cho nhân dân trong, ngoài xã và cung cấp sức kéo trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết, qua hơn 2 năm triển khai Nghị quyết, với sự nỗ lực vào cuộc từ các cấp, giờ đây nhân dân các xã trong huyện đã thay đổi dần nhận thức phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, sản xuất hàng hóa, có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã chuyển biến tích cực. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 32.346 tấn, bình quân lương thực 483 kg/người/năm. Huyện phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao, thông qua việc trồng chè mới 352 ha, đưa tổng diện tích toàn vùng lên 579 ha. Đồng thời, trồng mới 30ha chè cổ thụ; phát triển diện tích cây ăn quả (trồng mới 202 ha) đưa tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng đạt trên 4.080 ha.

Cùng đó, nhân dân trong huyện Phong Thổ còn trồng mới được 16.000 chậu địa lan nâng tổng chậu địa lan toàn huyện khoảng 74.000 chậu. Trồng mới 4,91ha cây Sâm Lai Châu, bảy lá một hoa dưới tán rừng tại các vùng có điều kiện. Trên địa bàn huyện, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ngày càng được mở rộng như: cây ăn quả ở Khổng Lào, Ma Li Pho, Huổi Luông; chè ở Lản Nhì Thàng, Sin Suối Hồ, Mồ Sì San; địa lan ở Lản Nhì Thàng, Dào San, Sin Suối Hồ…

Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc của huyện đạt trên 4%/năm. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp nâng thu nhập, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 4 xã, bình quân đạt 12,44 tiêu chí/xã. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,9%/năm.

Thời gian tới, huyện Phong Thổ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, học tập, quán triệt về mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết; tăng cường, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện; tổ chức rà soát, khoanh vùng và đưa diện tích gieo trồng các loại cây trồng chủ lực vào kế hoạch sử dụng đất cho giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, huyện tiếp tục rà soát diện tích quỹ đất hiện có tại các xã đang quản lý để khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp các hợp tác xã đầu tư, động viên dân góp giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác đầu tư cùng doanh nghiệp, hợp tác xã. Từ đó, đưa Nghị quyết ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nơi vùng biên.

Nghị quyết thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025 nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; chuyển nền nông nghiệp quảng canh, tự cung, tự cấp sang thâm canh, sản xuất hàng hóa; tập trung nâng cao giá trị sản suất, tăng thu nhập cho người nông dân; góp phần đẩy nhanh giảm nghèo bền vững; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4 - 5%/năm và ổn định phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Việt Hoàng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm