Lai Châu dự kiến trồng hơn 1.600 ha rừng trong năm 2021

Ông Phạm Trung Tình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lai Châu cho biết, thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2021, tỉnh Lai Châu phấn đấu trồng 1.650 ha diện tích rừng trồng mới và 1.500 ha cây mắc ca; trong đó, trồng mới rừng phòng hộ 250 ha, theo đề án phát triển cây quế 1.000 ha, sơn tra 50 ha và 350 ha rừng sản xuất cây gỗ lớn.

Lai Chau du kien trong hon 1.600 ha rung trong nam 2021 hinh anh 1Người dân bản Giảng, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu chăm sóc rừng quế  Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm nay, Chi cục Kiểm lâm Lai Châu đã chỉ đạo các huyện, thành phố trong tỉnh tiến hành rà soát các quỹ đất trong dân, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chuẩn bị đầy đủ về cây giống và vật tư sản xuất cây giống để cung ứng đầy đủ cho người dân khi có nhu cầu.

Đặc biệt, Lai Châu khác với các tỉnh khác mùa trồng rừng không tập trung vào mùa xuân sau Tết Nguyên đán mà lại trồng vào thời gian từ 15/6 đến 31/7 hàng năm. Sở dĩ như vậy là do mùa xuân ở Lai Châu thời tiết khô hanh, ít mưa và thiếu nước nên không thể trồng cây mà phải chờ đến mùa mưa mới có thể trồng được.

Đến thời điểm hiện tại, các huyện đang tiến hành đo đạc, quy chủ để xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật để trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Mặt khác, các đơn vị thực hiện trồng rừng cũng đã chuẩn bị được gần 3 triệu cây giống các loại để phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2021; trong đó, cơ cấu cây giống các loại gồm quế, sơn tra, thông mã vĩ, dổi… và cây quế chiếm diện tích lớn nhất với 1.000 ha. Các cây giống đều đảm bảo về nguồn gốc, tiêu chuẩn, chất lượng và thời gian gieo ươm theo quy định.

Ông Phạm Ngọc Đoàn, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên (Lai Châu) cho hay, năm 2021, huyện Tân Uyên trồng 550 ha rừng; trong đó, rừng phòng hộ 50 ha, cây gỗ lớn 400 ha và cây quế 100 ha. Đến nay, huyện Tân Uyên đã hoàn thiện rà soát thực địa và gửi hồ sơ lên cấp trên để phê duyệt.

Mặt khác, huyện đang tiến hành đo đạc quy chủ và giao đất cho người dân. Còn về giống cây huyện đang xây dựng kế hoạch để lựa chọn nhà cung cấp giống uy tín, chất lượng cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện để chuẩn bị trồng rừng được thuận lợi và hoàn thành theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trồng rừng, Lai Châu cũng gặp không ít khó khăn. Do điều kiện địa hình phức tạp, độ dốc lớn, giao thông đi lại không thuận lợi nên việc rà soát diện tích đất phù hợp để đo đạc còn gặp hạn chế. Hơn nữa, đặc thù trên địa bàn tỉnh nên thời gian trồng rừng không dài, tập trung hơn một tháng, mà thời điểm trồng rừng lại trùng với thời gian thu hoạch lúa chiêm và gieo cấy vụ mùa, dẫn đến khó khăn trong việc huy động người dân triển khai trồng rừng...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lai Châu Phạm Trung Tình cho biết thêm, dù còn gần 3 tháng nữa mới đến mùa trồng rừng nhưng Chi cục Kiểm lâm Lai Châu sẽ tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích trồng rừng cũng như chuẩn bị phát dọn thực bì, cuốc, lấp hố theo đúng quy trình kỹ thuật trước khi trồng cây. Chuẩn bị đầy đủ cây giống có nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn để tranh thủ thời tiết thuận lợi triển khai trồng rừng, đảm bảo mùa vụ.

Cùng đó, chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện trồng rừng để tham mưu cho lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Lai Châu có phương hướng giải quyết kịp thời.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Lai Châu hiện có hơn 474.100 ha diện tích rừng, rừng trồng chưa thành rừng và diện tích cây cao su. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,89%. Năm 2020, tỉnh Lai Châu trồng được 2.313,76/2.159,4 ha rừng, đạt 107,1% so với kế hoạch giao; trong đó, thực hiện trồng theo đề án phát triển cây quế là 1.113,07/1.000 ha vượt đạt 111,3% so với kế hoạch giao; cây sơn tra 98,43/90 ha đạt 109,4% so với kế hoạch; diện tích cây mắc ca của các doanh nghiệp trồng là 1.102,26/1.069,4 ha đạt 103% so với kế hoạch.


Đinh Thùy

Tin liên quan

Thanh niên huyện biên giới Mường Lát trồng rừng phòng, chống thiên tai

Tại huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, nhiều đoàn viên, thanh niên đã thực hiện mô hình trồng rừng kinh tế phòng, chống thiên tai để hạn chế xói mòn, sạt lở đất. Mô hình này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho đoàn viên, thanh niên, vừa phủ xanh đồi trọc, góp phần xây dựng huyện nghèo biên giới ngày càng phát triển.


Yên Bái lan tỏa phong trào trồng rừng

Trong 2 năm, 2019-2020, sau khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát động phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ", phong trào trồng rừng ở Yên Bái đã lan tỏa mạnh mẽ. Nhận thức về trồng cây, trồng rừng của người dân từng bước được nâng cao rõ rệt: đa số người dân Yêu Bái đều hiểu trồng rừng không chỉ để xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho gia đình mà còn góp phần tích cực trong việc chống xói mòn, biến đổi khí hậu để bảo vệ môi trường.


Hiệu quả từ trồng rừng sản xuất tại Đắk Lắk

Hiện nay, M’Đrắk là huyện có diện tích rừng trồng (chủ yếu là cây keo lai) lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, với khoảng 15.000 ha. Rừng trồng không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, làm thay đổi bộ mặt của những vùng quê nghèo mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng ở địa phương, cải thiện môi sinh môi trường.


Trồng rừng phát triển mạnh ở Yên Bái

Theo ông Hoàng Phúc Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, nhờ làm tốt tuyên truyền vận động người dân thấy rõ lợi ích của việc trồng rừng; sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nên phong trào trồng rừng ở Yên Bái ngày một phát triển mạnh mẽ.



Đề xuất