Lai Châu chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với bảo vệ môi trường

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật luôn được các chủ vườn hoa trên địa bàn tỉnh Lai Châu tuân thủ đúng nguyên tắc “phun đúng thời điểm, đúng liều lượng” nhằm bảo vệ môi trường. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật luôn được các chủ vườn hoa trên địa bàn tỉnh Lai Châu tuân thủ đúng nguyên tắc “phun đúng thời điểm, đúng liều lượng” nhằm bảo vệ môi trường. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa hồng mang lại nguồn thu nhập cao, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, các hộ trồng hoa cũng đặc biệt coi trọng vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc cây hoa đúng cách để không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Lai Châu chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với bảo vệ môi trường ảnh 1Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật luôn được các chủ vườn hoa trên địa bàn tỉnh Lai Châu tuân thủ đúng nguyên tắc “phun đúng thời điểm, đúng liều lượng” nhằm bảo vệ môi trường. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Tại vườn hoa hồng của gia đình anh Hoàng Luyện, ở bản Chin Chu Chải, xã San Thàng, thành phố Lai Châu, công nhân đang tiến hành phun thuốc trừ nấm cho hoa. Theo ghi nhận của phóng viên, các công nhân đều mặc quần áo bảo hộ theo quy định. Các vỏ thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng xong được gom lại, không vứt bừa bãi dưới chân ruộng. 

Anh Hoàng Luyện cho biết, gia đình anh có 9.000m2 hoa hồng đã trồng được 4 năm. Trong quá trình chăm sóc, hoa hồng xuất hiện rất nhiều sâu bệnh, nhất là bệnh thối lá, rụng lá. Để bảo vệ môi trường, gia đình anh thường xuyên nhắc nhở công nhân tuân thủ nguyên tắc “phun đúng thời điểm, đúng liều lượng” để hoa phát triển tốt, nở đúng thời điểm xuất bán. Gia đình thực hiện nghiêm cam kết với UBND xã San Thàng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng theo đúng quy trình kỹ thuật, tuyệt đối không sử dụng các loại không rõ nguồn gốc xuất sứ, thuốc cấm sử dụng trong danh mục thuốc cấm của Việt Nam.

Lai Châu chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với bảo vệ môi trường ảnh 2Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường (bên trái) kiểm tra việc tuân thủ các quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vườn hoa. Ảnh: Đinh Thùy – TTXVN

Với diện tích hơn 3ha hoa hồng các loại, chàng trai trẻ Lê Xuân Khương tại bản San Thàng 1, xã San Thàng, thành phố Lai Châu luôn chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường. Nhằm hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học, anh Khương thuê công nhân về làm cỏ thủ công, sử dụng phân hữu cơ đã qua xử lý, thuốc bảo vệ thực vật được mua ở những nơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được phép bán trên thị trường.

Dọc Quốc lộ 4D từ thành phố Lai Châu đến địa phận xã Giang Ma, huyện Tam Đường, hai bên đường đều có những vườn hoa hồng được người dân chăm sóc tỉ mỷ với đủ loại hoa khoe sắc. Vườn hoa hồng của gia đình anh Nguyễn Văn Thanh ở bản Mào Phô, xã Giang Ma được nhiều chủ cửa hàng hoa tươi ở Hà Nội đánh giá cao.

Lai Châu chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với bảo vệ môi trường ảnh 3Các chủ vườn hoa trên địa bàn tỉnh Lai Châu cam kết sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng. Ảnh: Đinh Thùy – TTXVN

Anh Thanh chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên ở huyện Mê Linh, Hà Nội. Tình cờ một lần anh lên Lai Châu chơi, thấy khí hậu, đất đai ở đây rất phù hợp để trồng hoa hồng. Sau khi tìm hiểu, tháng 10/2020, anh thuê đất ruộng của 3 hộ dân bản Mào Phô, xã Giang Ma để trồng loài hoa với diện tích 1,8ha. Khởi điểm ban đầu rất thuận lợi khi hoa được mùa, được giá. Trung bình 1ha thu được khoảng 70 vạn bông, lợi nhuận mang lại gần 1 tỷ đồng. Đến năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoa hồng tiêu thụ khó khăn, giá xuống thấp, có thời điểm không có người mua. Trong khi đó, giá vật tư, phân bón đều tăng cao. Trung bình mỗi năm, anh phải chi khoảng 200 triệu đồng để mua thuốc nấm, phòng sâu bệnh và khoảng 400 triệu đồng mua phân bón các loại. Vì vậy, năm vừa rồi gia đình bị lỗ khoảng 300 triệu đồng.

Theo anh Thanh, trồng hoa hồng đòi hỏi kỹ thuật cao vì rất dễ bị nấm và các loại sâu ăn lá; ngoài các loại phân bón phù hợp, trung bình từ 15-20 ngày phải thực hiện phun phòng trừ sâu bệnh, nấm một lần. Chú ý đến công tác bảo vệ môi trường, gia đình anh đã ký cam kết với cơ quan chuyên môn tuân thủ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng đúng quy trình kỹ thuật.

Toàn tỉnh Lai Châu hiện có gần 108ha diện tích trồng hoa hồng với 75 cá nhân tham gia bằng hình thức thuê đất của các hộ gia đình. Trong đó, 95,3ha chuyển đổi trồng hoa trên đất trồng lúa và 12,5ha chuyển đổi từ cây trồng khác. Cùng với áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, làm đất, chăm sóc, tưới tiêu, phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh để hoa cho năng suất và chất lượng cao, các hộ trồng hoa đã quan tâm tới các quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại cho phép của các hộ trồng hoa hồng còn nhiều hạn chế. Hầu hết các vườn hồng chưa có bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm yêu cầu theo quy định.

Lai Châu chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với bảo vệ môi trường ảnh 4Chủ các vườn hoa trên địa bàn tỉnh Lai Châu làm cỏ bằng thủ công nhằm hạn chế sử dụng thuốc hóa học. Ảnh: Đinh Thùy – TTXVN

Để tăng cường công tác quản lý chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và bảo vệ môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn rà soát lại toàn bộ diện tích trồng hoa hồng trên địa bàn, đặc biệt những diện tích trồng trên đất lúa, bổ sung kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, hướng dẫn các hộ trồng hoa thực hiện thủ tục đăng ký chuyển đổi theo đúng quy định; không quy hoạch, phát triển mở rộng diện tích trồng hoa trong khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt.

Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực, bón phân của các chủ vườn hồng; tuyệt đối không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (phân tươi) để bón cho hoa, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, thuốc không rõ nguồn gốc. Các địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trồng hoa ký cam kết trong quá trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng các bể chứa vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định; thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện cam kết và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm