Lai Châu chú trọng bảo tồn, phục tráng các giống lúa bản địa

Sản phẩm nếp Tan Co Giàng (huyện Tân Uyên, Lai Châu) bán trên thị trường
Sản phẩm nếp Tan Co Giàng (huyện Tân Uyên, Lai Châu) bán trên thị trường

Thời gian qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm chú trọng bảo tồn các giống lúa đặc sản, có độ dinh dưỡng cao, góp phần lưu giữ nguồn gen quý của địa phương và mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nhằm hướng tới xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh.

Lai Châu chú trọng bảo tồn, phục tráng các giống lúa bản địa ảnh 1Sản phẩm nếp Tan Co Giàng (huyện Tân Uyên, Lai Châu) bán trên thị trường 


Tiến sỹ Dương Đình Đức - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh Lai Châu vốn có nhiều giống lúa đặc sản như: Khẩu Ký, Séng Cù, nếp Tan Pỏm, Tà Cù, Tẻ Râu, Khẩu Hốc, Khẩu Lương Phửng, nếp Tan Pỏm… Tuy nhiên, do quá trình du nhập các giống lúa mới vào địa bàn cùng với khí hậu thời tiết thay đổi nên phần lớn các giống lúa bản địa này không giữ được đặc tính di truyền ban đầu, nguy cơ thoái hóa, phân ly, giảm phẩm cấp và chất lượng vốn có. Nếu không có biện pháp kịp thời để phục tráng nguyên chủng thì nguy cơ mất đi các giống lúa rất cao.

Nhằm từng bước bảo tồn giống lúa đặc sản có chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, thích nghi với điều kiện canh tác của địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh Lai Châu tuyển chọn các tổ chức, cá nhân nghiên cứu nhằm phục tráng các tính trạng ban đầu và tạo ra hạt giống siêu nguyên chủng phục vụ sản xuất cho người dân.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội phục tráng thành công hai giống lúa đặc sản thơm ngon của địa phương đã bị thoái hóa là: Khẩu Ký, nếp Tan Co Giàng của huyện Tân Uyên. Khi được phục tráng, hai giống này có khả năng chống chịu tốt, thích nghi điều kiện sinh thái tại địa phương, chất lượng dẻo, thơm, có vị ngọt đậm.

Chị Lò Thị Yên, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên chia sẻ, giống lúa nếp Tan Co Giàng nguyên chủng đưa vào gieo trồng và thu hoạch được 1,2 tấn, có giá trên 30.000 đồng/kg. Sản phẩm được khách hàng thị trường trong và ngoài tỉnh đánh giá ngon, chất lượng, dẻo thơm.

Giai đoạn 2012 - 2015, Sở Khoa học và Công nghệ Lai Châu đã phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm và đào tạo nghề - Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện phục tráng và phát triển giống lúa Tẻ Râu tại huyện Phong Thổ. Trung tâm đã thực hiện các bước điều tra khảo sát tình hình sản xuất giống Tẻ Râu, nghiên cứu phục tráng, xây dựng quy trình sản xuất thâm canh, nhân rộng mô hình tại xã: Mường So, Nậm Xe, Khổng Lào (huyện Phong Thổ). Sau khi thành công đã chọn được hỗn hợp dòng đạt 300kg cấp hạt siêu nguyên chủng. Giống Tẻ Râu sau khi được phục tráng vẫn giữ được các đặc điểm của giống gốc. Khi nấu cơm ngon có mùi thơm và dẻo, cho năng suất đạt 4,5 tấn/ha , ăng từ 15% so với trước đây. Đặc biệt cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, không bị bệnh, bông trỗ đều, tỷ lệ hạt chắc cao.

Từ năm 2018 - 2020, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lai Châu, UBND huyện Tân Uyên phục tráng thành công giống lúa Khẩu Hốc. Sau khi hỗn hợp dòng tạo ra được 1.100 kg hạt giống đạt nguyên chủng.

Ông Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho hay, Khẩu Hốc là giống lúa nếp nương bản địa có hương vị đặc trưng, thơm ngon, vị đậm, dẻo của bà con dân tộc Mông tại xã Nậm Sỏ. Giống có hạt to, mẩy chỉ trồng 1 vụ/năm; tuy là giống nếp đặc sản nhưng ít người gieo trồng và có nguy cơ mất giống. Khi thực hiện phục tráng và thu được 200kg giống lúa siêu nguyên chủng này, bà con rất vui vì không chỉ giữ được gen gốc quý hiếm mà còn giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trồng lúa.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 6 loại giống bản địa đã được phục tráng như: Khẩu Ký, nếp Tan Co Giàng, Khẩu Hốc, Tả Cù, Séng Cù, Tẻ Râu. Đặc biệt, năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Trung tâm Tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phục tráng, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hai giống lúa Khẩu Lương Phửng (huyện Phong Thổ) và nếp Tan Pỏm (huyện Than Uyên), trong thời gian thực hiện 36 tháng. Qua đó, chọn lọc được dòng thuần của 2 giống nhằm cung cấp cho sản xuất hạt giống, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu cho 2 giống lúa này.

Cùng với việc phục tráng, hiện nay Lai Châu có một số giống lúa đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như: Gạo Tẻ Râu Phong Thổ; gạo Séng Cù Than Uyên; gạo Khẩu Ký Tân Uyên và gạo Nếp Tan Co Giàng Tân Uyên. Các loại gạo đặc sản này đều có giá trị thương mại cao, được tiêu thụ về thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, với giá bình quân từ 22.000 - 30.000 đồng/kg, cho thu nhập gấp hơn 2 lần so với sản xuất lúa gạo thông thường đại trà.

Có thể thấy, việc phục tráng các giống lúa bản địa sẽ góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen cây trồng quý địa phương, từ đó phát triển sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác và tăng thu nhập cho nông dân.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục thu thập các nguồn gen bản địa quý hiếm. Từ đó, đánh giá, chọn lọc, phục tráng để bảo tồn và mở rộng sản xuất. Mặt khác, tỉnh sẽ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc nhân giống và xây dựng các mô hình nhằm khai thác, phát triển nguồn gen, giống cây bản địa; hướng tới xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu lúa đặc sản Lai Châu nhằm đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm