Lai Châu chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô

Lai Châu chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô
Bà con nhân dân thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, phát dọn thực bì bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
 Bà con nhân dân thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, phát dọn thực bì bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Phúc Than là xã có diện tích rừng lớn của huyện Than Uyên với gần 3.000 ha. Hàng năm số tiền chi trả cho dịch vụ môi trường rừng đều vượt trên một tỷ đồng. Đến nay, 24 thôn, bản của xã đã thành lập tổ chuyên trách bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Các thành viên tổ chuyên trách ngoài tuần tra, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm còn giáo dục, nâng cao nhận thức bà con trong công tác bảo vệ rừng. Các thôn, bản cũng đưa nội dung bảo vệ rừng vào quy ước, hương ước. Nhờ vậy mà ý thức của nhân dân trong bảo vệ, phát triển rừng ngày càng được nâng lên. Ông Điêu Văn Liền, Bí thư Chi bộ bản Nà Phát, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, chia sẻ: "Nếu người nào tự ý đi phá rừng thì chúng tôi dựa vào quy ước, hương ước của bản để xử lý. Trước tiên là sẽ trừ tiền chi trả từ dịch vụ môi trường rừng. Sau là sẽ phạt bằng tiền, nếu vi phạm lần đầu sẽ phạt 200.000 đồng, lần thứ 2 là 500.000 đồng, tiếp đến là 1.000.000 đồng... Tuy nhiên, theo quy ước, hương ước của bản thì bà con thực hiện rất nghiêm túc. Qua theo dõi, trong những năm gần đây, không có vụ cháy rừng nào xảy ra và cũng không có việc khai thác rừng trái phép". Ông Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, cho biết, vào mùa khô hàng năm, để hạn chế thấp nhất hiện tượng cháy rừng xảy ra trên địa bàn, UBND huyện đã tập trung triển khai nhiều biện pháp. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát những điểm nhạy cảm thường xuyên xảy ra cháy và có nguy cơ cháy cao để cảnh báo, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân biết để phòng tránh. Vào giai đoạn bà con nhân dân tập trung làm nương, các cán bộ và cơ quan chuyên môn huyện, xã xuống tận nơi để hướng dẫn bà con biết cách đốt nương, làm rẫy theo đúng quy trình kỹ thuật, khoa học, tránh rủi ro xảy ra. Cán bộ chuyên trách thường đi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm túc các quy trình về phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên tuyên truyền cho bà con nhân dân xã Mường Cang về công tác phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên tuyên truyền cho bà con nhân dân xã Mường Cang về công tác phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN
Hiện nay tỉnh Lai Châu có trên 450.000 ha rừng với độ che phủ đạt gần 50%. Số hộ tham gia dịch vụ môi trường rừng khoảng 65.000 hộ với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/hộ từ dịch vụ môi trường rừng. Trong niên vụ mùa khô 2017 - 2018 tại Lai Châu không có vụ cháy rừng lớn xảy ra. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm; tăng cường tuyên truyền, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ. Hệ thống chỉ huy, điều hành từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn. Vì vậy, công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở; qua đó, diện tích rừng, chất lượng rừng ngày một tăng lên. Ông Nguyễn Văn Biển, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lai Châu, cho biết, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh đã ban hành văn bản đôn đốc các Hạt kiểm lâm địa bàn xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở. Đồng thời Chi cục cũng kiểm tra các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy, để thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) trong trường hợp có hiện tượng cháy rừng xảy ra. Đến nay, tỉnh đã thành lập được 1.016 tổ chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn các huyện, thành phố. “Về phía lực lượng kiểm lâm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp để xảy ra cháy rừng trên địa bàn các huyện, thành phố”, ông Nguyễn Văn Biển nêu rõ quan điểm. Việc thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn, bản đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và mang lại hiệu quả rõ rệt, trong đó nhiều mô hình quản lý rừng cộng đồng dần được hoàn thiện về mặt quản lý, tổ chức hoạt động; tổ chuyên trách ngày càng phát huy hiệu quả. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời gắn lợi ích của người dân vào công tác phòng, chống cháy rừng hiệu quả.
Công Tuyên

Có thể bạn quan tâm