Kỳ tích xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Hữu Kiệm

Kỳ tích xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Hữu Kiệm

Cách thành phố Vinh hơn 200 km, Hữu Kiệm là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện nghèo biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Toàn xã có gần 5.000 nhân khẩu với đồng bào 4 dân tộc Khơ Mú, Mông, Kinh, Thái cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Khơ Mú và Thái chiếm trên 88%, tỷ lệ hộ nghèo trên 72% (năm 2011). Thế nhưng sau 10 năm với sự nỗ lực vươn lên, chính quyền và nhân dân xã Hữu Kiệm đã làm nên kỳ tích ở huyện nghèo nhất Nghệ An và cũng là huyện nghèo nhất nước khi đạt chuẩn nông thôn mới.

Kỳ tích xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Hữu Kiệm ảnh 1Đến nay xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 1/19 tiêu chí nông thôn mới, Hữu Kiệm đối mặt với vô vàn khó khăn. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình đồi núi phức tạp, dân cư phân bố thưa thớt. Tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm trên 90%, đời sống cũng như nhận thức còn thấp nên khi thực hiện chương trình nông thôn mới rất ít người nghĩ đến chuyện thành công. Thế rồi bằng sự quyết tâm, cách làm quyết liệt, sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, giữa năm 2020, Hữu Kiệm đạt chuẩn nông thôn mới trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Đến Hữu Kiệm hôm nay hệ thống đường giao thông trong xã đã được bê tông hóa, điều mà trước đây người dân chỉ nghĩ đến ở trong mơ. Toàn bộ các tuyến đường liên bản, trên 95% đường ngõ, xóm được bê tông hóa thể hiện nỗ lực lớn của chính quyền, nhân dân địa phương. Để xây dựng những tuyến đường này hơn 9.000 ngày công cùng nhiều vật dụng xây dựng của nhân dân được huy động, 3.800 m2 đất đã được người dân hiến tặng. Ông Lữ Văn Toàn, thôn Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn cho biết, trước đây việc đi lại gặp nhiều khó khăn, đường đồi núi ngày khô ráo xe máy còn đi được, đến mùa mưa thì gần như bị cô lập, chỉ còn cách đi bộ. Việc buôn bán vì thế cũng gặp nhiều khó khăn, nông sản làm ra cũng không thể tiêu thụ được vì thương lái ngại đi mua, nếu có vào mua cũng giá rất thấp. Được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, nhiều tuyến đường vào thôn đã được đổ bê tông sạch đẹp, việc đi lại buôn bán của người dân thuận lợi hơn nhiều.

Kỳ tích xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Hữu Kiệm ảnh 2Nhiều hộ dân tham gia Hợp tác xã trồng rau an toàn Khe Nhinh đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng rau cho thu nhập cao gấp 3-4 lần. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Xác định xây dựng nông thôn mới với mục đích cuối cùng là giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống về cả vật chất và tinh thần nên ngay khi bắt tay vào xây dựng chương trình, chính quyền xã đã lấy tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân làm mục tiêu. Thế nhưng để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi nguồn lực và cách làm khác biệt. Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, Hữu Kiệm tích cực huy động được hơn 50 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách và lồng ghép các chương trình, dự án hơn 44 tỷ đồng; vốn tín dụng 5,1 tỷ đồng; người dân đóng góp 845 triệu đồng. Có được các nguồn lực, Hữu Kiệm tiếp tục kiên trì giải bài toán nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, việc đưa cán bộ xuống tận cơ sở tích cực hướng dẫn người dân làm kinh tế, thay đổi nhận thức, bỏ dần tư tưởng trong chờ ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước đã mang lại hiệu quả lớn.

Ông Lô Hồng Thắng, bản Khe Nhinh, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn chia sẻ, trước đây nhiều người dân vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ai cũng muốn được xin là hộ nghèo để được hỗ trợ gạo, tiền. Từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, được cán bộ vận động tuyên truyền, rồi nhiều tuyến đường trong thôn được bê tông hóa tạo điều kiện cho người dân thông thương thuận lợi. Bây giờ nhiều người thay đổi nhận thức, ai cũng mong muốn, nỗ lực làm giàu không còn tư tưởng trong chờ ỷ lại như trước đây nữa. Riêng gia đình ông cùng 12 gia đình khác tham gia Hợp tác xã trồng rau an toàn Khe Nhinh đã chuyển đổi hơn 1ha lúa sang phát triển mô hình trồng rau sạch mỗi năm thu nhập từ 70-80 triệu, thu nhập cao hơn trồng lúa 3-4 lần, cuộc sống giờ đã ổn định hơn rất nhiều.

Kỳ tích xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Hữu Kiệm ảnh 3Người dân xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) được hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính tại trụ sở UBND xã. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Ông La Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn cho biết, lúc đầu người dân chưa hiểu nông thôn mới là gì, ngay cả một bộ phận cán bộ còn nhầm tưởng đây là chương trình đầu tư, được cấp ngân sách thực hiện. Vì vậy việc tuyên truyền đã được chính quyền đặt lên hàng đầu. Khó khăn lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới của địa phương là việc nâng cao thu nhập của nhân dân. Đây cũng được xem là tiêu chí quan trọng nhất, bởi suy cho cùng chương trình nông thôn mới là để người dân được nâng cao cuộc sống về vật chất cũng như tinh thần. Vì vậy, Ban chỉ đạo đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi ý thức, mạnh dạn chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng thi đua sản xuất nâng cao thu nhập, không còn trong chờ ỷ lại vào nhà nước nữa. Đồng thời, huy động các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án để tạo sinh kế, hỗ trợ cho bà con nhờ đó mà đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn khoảng 4,1%. Thu nhập bình quân của người dân đã tăng từ hơn 8 triệu đồng (năm 2011­­­­­) lên trên 36 triệu đồng/năm năm 2020.

Kỳ tích xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Hữu Kiệm ảnh 4Một góc xã nông thôn mới Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Đến thời điểm hiện tại Hữu Kiệm là xã duy nhất ở huyện nghèo Kỳ Sơn đạt chuẩn nông thôn mới. Với chính quyền và người dân nơi đây đạt chuẩn nông thôn mới không phải là điểm kết thúc mà là điểm bắt đầu cho một giai đoạn mới - giai đoạn gìn giữ và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong khi các nguồn lực bên ngoài sẽ giảm dần, nguồn lực tại chỗ hạn chế thì việc giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đòi hỏi phải có sự đồng tâm, chung sức, chung lòng của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là nhân dân - "chủ thể" của chương trình.

Văn Tý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm