Kỹ sư Hồ Quang Cua và hành trình tìm thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng

Kỹ sư Hồ Quang Cua và hành trình tìm thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng
Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long diện tích trồng các giống lúa ST đã được trồng tới hàng trăm ngàn ha, mỗi năm cung ứng một lượng lớn gạo chất lượng cao để xuất khẩu. Hành trình lai tạo ra loại lúa gạo thơm này cũng gắn liền với tên tuổi của Kỹ sư Hồ Quang Cua, một nhà khoa học tâm huyết của ngành nông nghiệp Sóc Trăng. 
Kỹ sư Hồ Quang Cua giới thiệu về thửa ruộng mẫu ST
Kỹ sư Hồ Quang Cua giới thiệu về thửa ruộng mẫu ST 

Từ đam mê đến cơ duyên
Tốt nghiệp khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ năm 1979, kỹ sư Hồ Quang Cua trở về với ruộng đồng. Biết bao cánh đồng đã in dấu chân anh, nơi đâu có ruộng, có nông dân là có anh, cùng đánh vật với ruộng đồng và nhà nông.

Người dân trong tỉnh nhiều người chỉ biết anh là ông kỹ sư giỏi và chịu khó chứ ít ai biết anh còn là phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng. Anh đi đồng bất kể lúc nào: sáng tranh thủ dậy sớm ra đồng, chiều sau giờ làm việc cũng thấy anh ngoài đồng. Làm cán bộ lãnh đạo cấp Sở mà ngón chân vàng khè màu phèn đâu khác gì nông dân, nhưng chính nhờ vậy mà hàng chục loại giống lúa ST gắn liền với tên anh đã ra đời.

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, công trình lúa thơm ST là cả một quãng thời gian dài và nó được bắt đầu bằng sự tình cờ của chuyến thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông năm 1996.

Khi ngắm nghía những hạt lúa VĐ20 no tròn, bằng cặp mắt “nhà nghề”, anh phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, dạng hạt thon dài rất đẹp.

Anh lội ngay xuống ruộng, tay mân mê những bông lúa lạ, đôi mắt sáng lên như người tìm được của quý. Đó là những cá thể VĐ20 đột biến đầu tiên. Từ đây, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời.

Anh cho biết thêm: Sự phát hiện này rất tình cờ, nhưng lại rất có ý nghĩa đối với công tác lai tạo, nhân giống lúa thơm của Sóc Trăng.

Và cũng từ đó, anh và các cộng sự của mình đã thu thập khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.  Công việc lai tạo ban đầu không hề đơn giản vì thiếu nhiều trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ và nhất là tiêu chuẩn về giống lúa thơm của Việt Nam lúc này vẫn chưa có, bởi vậy, nên “chúng tôi mượn tạm” tiêu chí lúa thơm BE.2541 của Thái Lan để thực hiện”.

Sau này, một cộng sự của anh là Thạc sĩ Trần Tấn Phương còn phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh chóng và hiệu quả.

Thông qua tiêu chí thử mùi thơm, các anh đã loại được những giống lúa không đạt chuẩn rất nhanh chóng vì chúng có liên quan mật thiết đến hàm lượng Amylose.

Công việc ngày càng tiến triển nhanh chóng và đến nay, Sóc Trăng đã có được bộ sưu tập giống ST từ ST1 đến ST20 và một giống ST3 đỏ.

Riêng việc lai tạo ra giống lúa ST3 đỏ, chính GS.TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL đã phải thán phục: “Trong khi chúng tôi còn đang nghiên cứu lai tạo giống lúa cho gạo hạt vàng để tăng hàm lượng caroten, thì anh Cua và các cộng sự Sóc Trăng đã phóng thích giống ST3 đỏ giàu dinh dưỡng và chất sắt, phải nói đây là giống gạo thơm, ngon trong số những loại gạo ngon trên thế giới mà tôi đã được ăn. Anh Cua và các anh em ở Sóc Trăng đã đi trước chúng tôi một bước rồi!”. 
Kỷ sư Hồ Quang Cua thuyết trình về giống gạo ST24 tại một hội thi về giống lúa thơm
Kỷ sư Hồ Quang Cua  thuyết trình về giống gạo ST24 tại một hội thi về giống lúa thơm

Điều tâm đắc nhất của kỹ sư Hồ Quang Cua và cũng là bài học kinh nghiệm anh đúc kết được qua quá trình nghiên cứu của mình là đã chọn tạo được giống lúa thơm tại chỗ, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, xây dựng được qui trình canh tác hiệu quả phù hợp với trình độ nông dân.

Bản thân những giống lúa ST đã giúp nông dân Sóc Trăng nói riêng, nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung có được hiệu quả cao hơn hẳn nhiều loại giống lúa khác bởi năng suất không thua kém, có thể đạt 5-7 tấn/ha, trong khi giá bán cao hơn lúa thường 10-20%, nhiều địa phương chuyên canh các giống lúa ST3, ST5, ST10... và nay đã là giống lúa ST20 của kỹ sư Cua đã cho lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha mỗi vụ. 

Và hành trình tìm thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng 
Theo Kỹ sư Hồ Quang Cua: Việc chọn tạo đã diễn ra 20 năm, kể từ năm 1991, khi tiến sĩ Huỳnh Quang Tín ở Viện nghiên cứu phát triển Hệ thống canh tác ĐBSCL chuyển giao bộ sưu tập giống lúa thơm cho phòng nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên và kỹ sư Hà Triều Hiệp đã chuyển giao lúa Khao Dawk Mali 105 để trồng khảo nghiệm tại Mỹ Xuyên và đây được coi như điểm mốc đánh dấu khởi đầu cho việc “Xây dựng thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng” thông qua việc chọn giống. 
Kỹ sư Hồ Quang Cua Anh Hùng Lao động đạt giải nhất Hội thi Lúa thơm gạo ngon năm 2017
Kỹ sư Hồ Quang Cua Anh Hùng Lao động đạt giải nhất Hội thi Lúa thơm gạo ngon năm 2017

Khởi đầu gian nan cùng với nỗ lực bền bỉ, liên tục trong công tác thu thập, tuyển chọn và lai tạo các giống lúa thơm có tính khác biệt, độc đáo cho riêng tỉnh Sóc Trăng từ 20 năm trước và đến ngày hôm nay, bộ sưu tập dòng lúa thơm mang thương hiệu Sóc Trăng đã được nông dân sử dụng hàng trăm ngàn ha mỗi vụ trên đồng ruộng.

Từ giống lúa Khao Dawk Mali 105 ban đầu để phát triển, sau đó là Việt Đài 20 (VĐ20), các cán bộ khoa học của tỉnh với người đứng đầu là kỹ sư Hồ Quang Cua đã phóng thích ra các giống lúa ST1, ST2, ST3, ST5, ST10... và gần đây nhất là bộ ba giống lúa ST16, ST19, ST20 với những đặc tính vượt trội về thời gian sinh trưởng rút ngắn dần, năng suất cao, độ bền thể gel, kháng rầy, chiều dài hạt, nồng độ thơm, dẻo... 

Nhận thức giống là khâu cốt lõi, giống cho gạo thơm ngon hảo hạng là tiền đề để xây dựng thương hiệu nên khâu chọn giống đặc biệt được quan tâm với định hướng là chọn theo tiêu chuẩn gạo thơm Thái B.E 2541, nhưng kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự của mình đã làm được hơn điều đó là đã chọn được các giống có ưu thế hơn như hạt gạo dài hơn, lúa cao sản không cảm quan, tích hợp được mùi hương dứa và hương cốm, lúa cao sản có dạng hình mới.

Tiêu chí của các nhà lai chọn giống lúa là nâng dần phẩm chất, chỉ hỗ trợ phát triển giống có nhiều ưu điểm nhất. Tên giống được đánh số từ nhỏ đến lớn, đến nay đã đặt tên từ ST1 đến ST20, ngoài ra còn có 2 giống lúa tẻ lức đỏ và lức tím có tên riêng.

Việc chọn tên thương hiệu được UBND tỉnh cho ý kiến lấy tên tỉnh làm tên lúa giống và trước giờ chỉ chọn những giống phù hợp với tiêu chí mới đặt tên Sóc Trăng (ST). 
Kỷ sư Hồ Quang Cua Anh Hùng Lao động nhận Danh hiệu Anh hùng lao động thời đổi mới (phong tặng năm 2013, trao năm 2014)
Kỷ sư Hồ Quang Cua Anh Hùng Lao động nhận Danh hiệu Anh hùng lao động thời đổi mới (phong tặng năm 2013, trao năm 2014)

Việc sử dụng các loại giống lúa thơm Sóc Trăng đang được nông dân Sóc Trăng nhân rộng trên diện tích hàng trăm ngàn ha trong và ngoài tỉnh. Vùng nguyên liệu đó thường là cánh đồng một giống, có khi được Nhà nước hỗ trợ một phần, có khi doanh nghiệp hoặc nông dân tự hình thành.

Trong vụ Mùa và Đông xuân 2011-2012 đã có nhiều cánh đồng rộng từ vài chục, vài trăm ha đến cả ngàn ha tập trung sản xuất lúa thơm Sóc Trăng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và đã cho hiệu quả cao hơn hẳn cho nông dân so với dùng giống lúa thường và canh tác theo lối cũ. 

Lai tạo ra nhiều giống lúa có chất lượng cao nhưng sau nhiều năm, tỉnh vẫn loay hoay với việc tìm thương hiệu cho sản phẩm của mình, mặc dù những năm trước đây, một số doanh nghiệp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã chọn gạo thơm Sóc Trăng để đóng nhãn hiệu riêng, nhưng điều đó chưa thể hiện thương hiệu từ Sóc Trăng.

Rất may là từ năm 2008, với sự hỗ trợ kinh phí của Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng dự án chứng nhận nhãn hiệu Gạo thơm Sóc Trăng.

Tháng 10/2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Gạo thơm Sóc Trăng cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng và đến nay đã có 5 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được cấp phép sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Gạo thơm Sóc Trăng kèm với nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp để phục vụ mục đích thương mại. 
Kỹ sư Hồ Quang Cua tặng gạo ST20 cho Toàn quyền Canada năm 2011
Kỹ sư Hồ Quang Cua tặng gạo ST20 cho Toàn quyền Canada năm 2011

Sau 20 năm khởi động, đến nay, Sóc Trăng đã xây dựng xong nền tảng cho thương hiệu Gạo thơm Sóc Trăng. Việc cấp Nhãn hiệu chứng nhận Gạo thơm Sóc Trăng cho 5 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào cuối năm nay sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp, là tiền đề để thương hiệu Gạo thơm Sóc Trăng phát triển, có cơ hội vươn xa ra thị trường thế giới trong thời gian tới./. 
Bài và ảnh: Trung Hiếu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm