Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Để mãi xứng danh là Thành phố mang tên Bác - Bài 2

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Để mãi xứng danh là Thành phố mang tên Bác - Bài 2

Bài 2: Giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế

Sau 45 năm ngày giải phóng, trải qua gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt, trong đó luôn duy trì vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, góp phần xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Để mãi xứng danh là Thành phố mang tên Bác - Bài 2 ảnh 1

Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung nguồn vốn, giao dịch, hàng hóa, tài chính...sẽ được vận dụng tối ưu nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh đến năm 2025 Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Tiên phong về phát triển kinh tế

Từ sau ngày giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh là một đầu tàu kinh tế, có nguồn thu ngân sách lớn của cả nước. Thành phố cũng là nơi có nhiều đề xuất, đóng góp xây dựng đường lối đổi mới từ thực tiễn sinh động và đòi hỏi của cuộc sống.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Không cam chịu tình trạng thiếu hàng hóa và ách tắc trong phân phối lưu thông, Thành phố đã tìm cách bung ra sản xuất theo yêu cầu, theo năng lực và tháo gỡ việc “ngăn sông cấm chợ”, góp phần chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Để thoát khỏi tình trạng suy thoái và trì trệ, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã chủ động tìm kiếm những biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp, các xí nghiệp liên kết với các tỉnh để khai thác nguyên liệu, trao đổi thành phẩm, thực hiện kế hoạch sản xuất phụ ngoài chỉ tiêu pháp lệnh, tăng thu nhập cho người lao động bằng lương khoán. Hàng chục ngàn cơ sở sản xuất nhỏ, sản xuất gia đình được khôi phục; một số công ty công tư hợp doanh được thử nghiệm thành công... Với những cách làm mới, kinh tế thành phố bắt đầu phát triển, tăng trưởng.

Đề cập đến quá trình vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về kết hợp và phát huy vai trò của các thành phần kinh tế để đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế của đất nước tại một hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đây, bà Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Qua thực tiễn quá trình phát triển các thành phần kinh tế ở thành phố, có thể nhận thấy sự kết hợp và phát huy vai trò của các thành phần kinh tế là tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo bà Võ Thị Dung, tổng kết lại, theo quan điểm Hồ Chí Minh, mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong những năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước ta, phù hợp với sự vận động khách quan của kinh tế thị trường và đang nâng dần vị trí, vai trò của thành phố trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Trong thời kỳ đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, đề xuất Trung ương cho phép xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung để hướng đến nền kinh tế xuất khẩu, thực hiện chính sách kinh tế mở. Sau quá trình chuẩn bị địa điểm và lựa chọn đối tác nước ngoài đầu tư khoảng 3 năm, đến tháng 9/1991, Khu chế xuất Tân Thuận – khu chế xuất đầu tiên của cả nước đã được thành lập.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, quyết tâm thí điểm mô hình kinh tế mới đã tạo ra yêu cầu và cung cấp dữ liệu thực tế để ra đời các quy định pháp luật điều chỉnh khu chế xuất, khu công nghiệp. Đây chính là khung pháp luật để thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn cả nước. Đáng chú ý, các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố cũng là nơi đầu tiên áp dụng cơ chế “một cửa, tại chỗ” cho thấy hiệu quả rõ rệt trong cải cách hành chính thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong các khu chế xuất – khu công nghiệp, chỉ còn 1/3 so với thông thường.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi khởi phát ý tưởng cũng như triển khai các mô hình thí điểm về thành lập Trung tâm chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, sau đổi thành Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng thị trường vốn, quỹ đầu tư phát triển đô thị. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi đầu tiên triển khai khu đô thị mới, thay đổi tư duy trong phát triển đô thị theo hướng hiện đại.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xem là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước và trục đường Nguyễn Văn Linh, tuyến đường vành đai hiện đại, kết nối khu vực phía Nam thành phố với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, đã chứng minh cho sự đột phá của thành phố trong công tác quản lý phát triển đô thị.

Đánh giá về những đóng góp của thành phố trong phát triển kinh tế, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thành phố đã nhạy bén, bản lĩnh, năng động, sáng tạo, bám sát thực tiễn để vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Từ thực tiễn sinh động của Thành phố sau những năm giải phóng, chúng ta đã góp phần quan trọng cùng Trung ương chuyển dần cơ chế, chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế

Thực hiện di nguyện của Bác “xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố qua các thời kỳ đã luôn nỗ lực, không ngừng sáng tạo, đổi mới để phát triển kinh tế thành phố.

Qua 45 năm xây dựng và phát triển, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng cao nhất cả nước, trong nhiều năm qua luôn duy trì ở mức trên 8%, trong đó năm 2019 đạt 8,3% và dự kiến cả nhiệm kỳ 2015-2020 đạt mức tăng bình quân 8,3%. Qua đó, Thành phố luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm nội địa, chiếm 23% GDP và đóng góp lớn nhất (27%) cho ngân sách cả nước.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chất lượng tăng trưởng không ngừng được cải thiện, cơ bản phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ, năng suất lao động bằng 2,7 lần năng suất bình quân cả nước. Phát huy thế mạnh của trung tâm kết nối khu vực, cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tỷ trọng hợp lý với khu vực dịch vụ liên tục giữ tỷ trọng lớn nhất trong GRDP, năm 2020 ước đạt 62,13%, vượt chỉ tiêu đề ra; khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2020 ước đạt 24,61%; khu vực nông lâm thủy sản năm 2020 chiếm 0,66%. GRDP bình quân đầu người tiếp tục tăng liên tục qua các năm, đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD, gấp 1,3 lần năm 2015 (5.104 USD) và gấp 2,3 lần so với cả nước.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có Khu công nghệ cao với tổng đầu tư trên 7 tỷ USD, xuất khẩu trên 8 tỷ USD, trên 36.000 lao động và là Khu công nghệ cao thành công nhất cả nước. Đây là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu Đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học và công nghệ, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Song song đó, Khu Công viên phần mềm Quang Trung với 200 doanh nghiệp và đầu tư, hơn 11.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin, hơn 10.000 sinh viên công nghệ thông tin học tập trong Khu công viên phần mềm Quang Trung. Doanh thu năm 2019 đạt hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó hơn 80% là từ doanh thu xuất khẩu và đây là công viên phần mềm thành công nhất cả nước.

Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có các thị trường có quy mô lớn, phát triển hàng đầu của cả nước như thị trường hàng hóa; thị trường tài chính, tiền tệ; thị trường bất động sản; thị trường khoa học và công nghệ; thị trường lao động... Thành phố Hồ Chí Minh cũng dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với gần 10.000 dự án còn hiệu lực hoạt động, tổng số vốn là gần 49 tỷ USD. Cùng với đó, Thành phố hiện có hơn 420.000 doanh nghiệp với tổng số vốn hoạt động hơn 5,5 triệu tỷ đồng. Mô hình kinh tế chia sẻ đã phát triển bước đầu qua mô hình Grab và Goviet với tổng số lao động tham gia khoảng 315.000 người.

Năm 2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đây là quyết sách đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp tình hình phát triển của Thành phố sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 35 năm đổi mới, giúp Thành phố vừa phát huy tốt hơn các thế mạnh truyền thống của mình trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, trong các nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển Thành phố nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước, cùng cả nước./.

Bài 3: Xây dựng Đảng bộ gắn bó mật thiết với nhân dân

Hoàng Anh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm