Ký kết hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Ký kết hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Ngày 30/3, Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020. 

Ký kết hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020 ảnh 1Giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (bên trái) và Tiến sĩ Phan Văn Hùng, Thứ trưởng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (bên phải) trao bản ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2016 – 2020. Ảnh: Anh Tuấn- TTXVN

Tiến sĩ Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng vùng dân tộc và miền núi chiếm 3/4 diện tích đất liền, nhưng cũng là vùng nghèo khó, chậm phát triển nhất. Đảng và Nhà nước đã xác định công tác dân tộc có vị trí quan trọng, chiến lược, cơ bản, lâu dài nhưng cũng rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ nhiều chính sách dân tộc giúp đồng bào dân tộc cải thiện cuộc sống tốt hơn. Điều này được minh chứng qua thực tiễn và Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao chính sách dân tộc của Việt Nam, cho là điểm sáng để các nước khác có thể tham khảo.

Những năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội đã có những đóng góp, nhiều nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng dân tộc như Chương trình Tây Nguyên 3, Chương trình Tây Nam Bộ, những chương trình, đề tài trọng điểm. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa hai bên vẫn chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như thế mạnh của mỗi bên. 

Công tác dân tộc, tôn giáo hiện nay ngày càng trở nên quan trọng, cấp bách, nhiều vấn đề bức xúc ở vùng dân tộc đang đặt ra cần có những nghiên cứu, đề xuất giải pháp để có những chính sách phù hợp giúp phát triển nhanh, bền vững nên cần sự hợp tác của khoa học xã hội. 

Giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết đây là một bước tiến quan trọng trong việc hợp tác giữa hai bên, mở ra những triển vọng mới trong các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, và tư vấn chính sách. 

Thời gian qua, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có các viện thành viên đã thực hiện nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực cho đất nước nói chung, vùng dân tộc và miền núi nói riêng. Tuy nhiên, việc thông tin, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc cho các cơ quan quản l‎ý nhà nước, phục vụ công tác xây dựng chính sách dân tộc còn chưa nhiều, một số đề xuất, kiến nghị của các nhà khoa học chưa được chuyển hóa thành những chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. 

Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam sẽ phối hợp, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc và chính sách dân tộc cho Ủy ban Dân tộc để phục vụ việc hoạch định chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020. Trước mắt, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã gửi danh sách các đề tài, dự án có liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc gửi cho Ủy ban Dân tộc để đưa vào kế hoạch hợp tác giai đoạn 2016-2020. Đến tháng 9/2015, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã gửi Uỷ ban Dân tộc danh mục 9 đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở nước ta đến năm 2030”. 

Hai bên thường xuyên thông tin các kết quả nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm và phối hợp giảng dạy, đào tạo cao học, nghiên cứu sinh... phục vụ công tác dân tộc, xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc; tăng cường thông tin các hoạt động khoa học và công nghệ liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung cho nghiên cứu, giảng dạy và xây dựng chính sách dân tộc. Hai bên phối hợp tổ chức thông tin khoa học, các diễn đàn khoa học, hội thảo, tọa đàm về những chủ đề có liên quan đến công tác dân tộc; tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ hai bên cùng tham gia nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học, tư vấn, xây dựng và phản biện chính sách... Trước mắt là chia sẻ đường link kết nối thông tin hiện có trên cổng thông tin điện tử của hai đơn vị, kịp thời phục vụ nhu cầu truy cập thông tin của lãnh đạo và công chức, viên chức hai bên. 

Định kỳ hằng năm, hai đơn vị đầu mối sẽ tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp công tác để tổ chức rút kinh nghiệm đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình phối hợp công tác trong những năm tiếp theo.

Minh Nguyệt 

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm