Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Đề nghị hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân theo đúng tiến độ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 9/6, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Các đại biểu đề nghị đề nghị Chính phủ bảo đảm hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

Ky hop thu 9, Quoc hoi khoa XIV: De nghi hoan thanh cap so dinh danh ca nhan cho gan 80 trieu cong dan theo dung tien do hinh anh 1 Các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Điện Biên, Khánh Hòa, Long An thảo luận ở tổ. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) đã thể chế hóa hai nhóm chính sách lớn là thay hình thức quản lý cư trú thông qua sổ hộ khẩu bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và chính sách quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn, đề nghị làm rõ phương thức quản lý cư trú mới, bởi việc này chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng, đến thời điểm này mới chỉ có 18 nghìn công dân được cấp số định danh cá nhân là chậm; đề nghị Chính phủ bảo đảm hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra. Đại biểu phân tích, số định danh cá nhân được quy định trong Luật Căn cước công dân mà luật này quy định từ 1/1/2020 phải thực hiện việc quản lý bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến giờ quá hạn mà vẫn còn gần 80 triệu công dân chưa được cấp số định danh cá nhân. Nếu luật được ban hành và có hiệu lực năm 2021 thì chỉ có 1 năm để cấp số định danh cá nhân cho 80 triệu công dân còn lại.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, để cấp số định danh cá nhân, công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối chiếu. Trong khi đó, việc bố trí kinh phí cho hoạt động này chưa bảo đảm nên sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện. Theo đại biểu, nguyên nhân khiến tiến độ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chậm là vì không có kinh phí. Luật căn cước công dân quy định Nhà nước bảo đảm ngân sách triển khai dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng Chính phủ không đưa vào đầu tư trung hạn của giai đoạn 2016-2020, không có kinh phí để làm cơ sở quốc gia dân cư cho nên mới có 18 triệu người được cấp số định danh cá nhân.

Về điều kiện đăng ký thường trú, các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật nên quy định điều kiện đăng ký đối với những người có chỗ ở hợp pháp. Đối với người đi thuê, mượn, ở nhờ, nếu được chủ sở hữu, chủ sử dụng đồng ý thì cũng được đăng ký thường trú. Đối với quy định xóa đăng ký thường trú, theo các đại biểu, việc bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân và hộ gia đình trong đăng ký, quản lý cư trú, cũng như giúp Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nắm bắt tình hình cư trú của dân cư trên địa bàn quản lý được chính xác, chặt chẽ hơn. Quy định này chỉ áp dụng đối với người không khai báo, nếu công dân có khai báo thì sẽ không bị xóa đăng ký cư trú. Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) đề nghị, Chính phủ làm rõ những hậu quả pháp lý đối với quy định xóa đăng ký thường trú.

Đỗ Bình

Tin liên quan

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Khắc phục bất cập trong công tác quản lý dân cư

Một trong những dự án Luật được cử tri quan tâm trong chương trình Kỳ họp lần này là dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân, bởi phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, mà còn góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn, khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư ở nước ta hiện nay.


Bộ Công an: Không bỏ sổ hộ khẩu, hiện đang có lộ trình thay đổi phương thức quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin

" Không bỏ sổ hộ khẩu, mà hiện đang có lộ trình thay đổi phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang bằng hệ thống công nghệ thông tin về cơ sở dữ liệu dân cư ". Đây là khẳng định của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát trong họp báo do Bộ Công an tổ chức ngày 7/11, tại Hà Nội, nhằm giải đáp những vấn đề liên quan đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân.


Bỏ hộ khẩu để đơn giản hóa thủ tục, phục vụ nhân dân

Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và một số đại biểu Quốc hội đã trao đổi về việc ngày 30/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an. Trong đó, có quy định "bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.


Chính phủ đồng ý bỏ sổ hộ khẩu

Chính phủ đồng ý với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.



Đề xuất