Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Sáng 7/6, Quốc hội tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, cần có chính sách cụ thể từ Trung ương tới địa phương để thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, người dân có thể phát triển sinh kế dưới tán rừng thông qua Đề án phát huy giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.

Cơ bản giải quyết vướng mắc, chồng chéo về văn bản hướng dẫn

Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) về bố trí vốn tăng cường đầu tư, một số hệ thống văn bản chưa phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Nghị quyết 120 của Quốc hội đặt mục tiêu tập trung các nguồn lực để ưu tiên cho các địa phương và trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thiết kế 10 dự án và tiến hành phân cấp nguồn lực, thẩm quyền điều hành cho địa phương. Tại Trung ương, chỉ tập trung vào một số nhiệm vụ như: ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát, hướng dẫn; đồng thời đồng thời xử lý những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, phù hợp với chủ trương trong nghị quyết của Quốc hội.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Về hệ thống văn bản, Bộ trưởng khẳng định, trong năm 2022 các bộ, ngành đã cơ bản ban hành hệ thống văn bản theo thẩm quyền được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Trong quá trình ban hành hệ thống văn bản, các bộ, ngành đã bám sát vào các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình vận hành các văn bản hướng dẫn có một số vấn đề nảy sinh, có những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chưa phù hợp. Ủy ban Dân tộc đã tiếp thu, Chính phủ đã có công điện giao cho các bộ, ngành rà soát lại tất cả các văn bản này để đảm bảo tính thống nhất, liên thông, đồng bộ, phù hợp với các quy định pháp luật. Cơ bản hiện nay, các bộ, ngành ban hành xong các văn bản này.

Giải trình câu hỏi của đại biểu về hệ thống văn bản chính sách pháp luật về công tác dân tộc còn chồng chéo, mâu thuẫn, tản mát..., Bộ trưởng nêu rõ, công tác dân tộc nằm ở nhiều lĩnh vực, ngành khác nhau nên vẫn cần thiết có hệ thống văn bản chuyên ngành, từng lĩnh vực, chứ không có một văn bản chung cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ trưởng khẳng định, hệ thống văn bản hiện nay ban hành tương đối đồng bộ và bám sát quy định pháp luật, sự chồng chéo, mâu thuẫn không có nhiều, Chính phủ sẽ rà soát, điều chỉnh, sửa đổi.

Giải trình chất vấn của đại biểu về tiêu chí phân định miền núi, vùng cao, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết: Ủy ban Dân tộc đang chủ trì tổng kết để phân định vùng cao; tổng kết, đánh giá tiêu chí phân định ba khu vực để xác định, xây dựng và đề xuất một tiêu chí mới đảm bảo yếu tố về mặt địa hình, địa giới hành chính cả về trình độ phát triển để đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phù hợp hơn trong giai đoạn tới.

Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc để đánh giá phân định miền núi, vùng cao, đánh giá một số tiêu chí phân định khác, cần thực hiện việc đánh giá này thật toàn diện để có tiêu chí mới. Theo tiến độ, Ủy ban Dân tộc sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung này vào tháng 9/2023.

Cần có chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tranh luận về chính sách vùng dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đối tượng, theo địa bàn hay đan xen, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng, điều này vẫn chưa đủ cho các vùng đặc thù như vùng biên giới. Khu vực biên giới đa số là vùng dân tộc thiểu số, một số nơi là vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời còn mang trọng trách là "phên dậu" của Tổ quốc. Do đó, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới có vai trò quan trọng trong bảo vệ vùng biên giới. Tuy nhiên, khu vực đặc biệt khó khăn khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, không còn hưởng các chính sách theo địa bàn. Do đó, đại biểu băn khoăn liệu các chính sách hiện nay đã đủ "giữ chân" đồng bào dân tộc thiểu số và thu hút lao động đến các vùng biên giới hay chưa?

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Chu Thị Hồng Thái đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, hiện nước ta có 25 tỉnh biên giới. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho vùng biên giới trong những năm qua. Tuy nhiên, đời sống kinh tế - xã hội của người dân tại các xã, huyện vùng biên giới còn nhiều khó khăn, địa hình xa, hiểm trở. Bộ trưởng cho rằng vẫn cần nhiều chính sách đủ mạnh để cải thiện đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới. Đặc biệt, cần đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia để có những chính sách phù hợp hơn, trong đó quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho người dân... , đồng thời góp phần gìn giữ biên cương của Tổ quốc.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, hệ thống chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số bao gồm chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương. Chính sách của Trung ương bao gồm các luật, các văn bản của Trung ương ban hành, là cơ sở để địa phương xây dựng chính sách phù hợp với địa phương mình, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp...

Trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn các địa phương bám sát vào chủ trương của Trung ương để có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này, nhằm tạo ra việc làm, thu nhập và giải quyết vấn đề lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về ý kiến của đại biểu nêu tại Kỳ họp này có nên đưa nội dung phát triển sinh kế dưới tán rừng vào nghị quyết, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, vấn đề này liên quan đến Luật Lâm nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ xây dựng đề án phát huy giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới, trong đó có việc phát triển sinh kế dưới tán rừng…

Đỗ Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm