Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Khắc phục tình trạng thiếu đất ở, đất canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bà con người Mông canh tác nông nghiệp trên Cao nguyên Bà con người Mông canh tác nông nghiệp trên Cao nguyên đá (Hà Giang). Ảnh: baodantoc.vn
Bà con người Mông canh tác nông nghiệp trên Cao nguyên Bà con người Mông canh tác nông nghiệp trên Cao nguyên đá (Hà Giang). Ảnh: baodantoc.vn

Tiếp tục Chương trình làm việc, chiều 6/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trả lời chất vấn của các đại biểu về những khó khăn trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đất ở, đất canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Khắc phục tình trạng thiếu đất ở, đất canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Tấn Quân ( Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)) về những khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, việc phân định này được thực hiện qua 2 giai đoạn, với mục tiêu thực hiện phân định theo trình độ phát triển, xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn để làm địa bàn đầu tư tập trung trọng tâm trọng điểm.

Trong quá trình phân định thuộc 2 giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, tham mưu Chính phủ xác định các tiêu chí. Từ 1996 đến nay, các chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất theo tiêu chí phân định khu vực theo trình độ phát triển.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Khắc phục tình trạng thiếu đất ở, đất canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Tấn Quân đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Gần đây nhất, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021- 2025.

Trên cơ sở tiêu chí được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng ủy quyền ban hành Quyết định số 612/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, quá trình phân định dựa trên một số tiêu chí: Những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người dân tộc thiểu số là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xã có tỷ lệ hộ nghèo 15% trở lên là xã nghèo. Những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% không còn là xã nghèo nữa.

Về tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg, các xã không còn là vùng đặc biệt khó khăn nữa không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016-2020, đã có tác động, ảnh hưởng đến 12 chính sách. Chính phủ đã giao các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách bảo hiểm với người dân tộc thiểu số.

Về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng du canh, du cư tự phát, chặt phá rừng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định đây là vấn đề lớn xuất phát từ nhu cầu thực tế. Khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia và qua quá trình rà soát và báo cáo của các địa phương, cũng như số liệu thống kê đến năm 2019 cho thấy trên 24 nghìn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở và trên 43 nghìn hộ thiếu đất canh tác. Ủy ban Dân tộc đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg, trong đó có đề ra chỉ tiêu, mục tiêu rất cụ thể là đến năm 2025 sẽ giải quyết được 60% nhu cầu đất ở cho người dân; 40% còn lại sẽ được giải quyết dần trong giai đoạn 2026 - 2030.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Khắc phục tình trạng thiếu đất ở, đất canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3Bà con người Mông canh tác nông nghiệp trên Cao nguyên đá (Hà Giang). Ảnh: baodantoc.vn

Về đất sản xuất, theo báo cáo của các địa phương, có nơi còn quỹ đất, cũng nhiều nơi không còn, kể cả cấp xã, thôn. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề lớn cần có sự thống nhất của các bộ, ngành để đưa ra giải pháp, trong đó có việc rà soát lại quỹ đất của các lâm trường, xem xét cấp cho người dân. Tuy nhiên, việc này được triển khai tại các cơ sở còn chậm. Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại quá trình thực hiện để việc cấp đất cho bà con được diễn ra nhanh chóng.

Đỗ Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm