Kon Tum tháo gỡ "nút thắt" về thu hút, sắp xếp dân cư tại huyện mới Ia H’Drai

Kon Tum tháo gỡ "nút thắt" về thu hút, sắp xếp dân cư tại huyện mới Ia H’Drai

Ia H’Drai là huyện vùng biên của tỉnh Kon Tum, mới được thành lập hơn 6 năm. Nhằm đảm bảo dân số để thành lập thêm các xã, thị trấn theo quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ia H’Drai đã chú trọng thực hiện Đề án di dân, bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên đến nay, kết quả của việc thực hiện Đề án đạt được thấp, chưa tương xứng với kỳ vọng...

Kon Tum tháo gỡ "nút thắt" về thu hút, sắp xếp dân cư tại huyện mới Ia H’Drai ảnh 1 Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang phát biểu trong buổi làm việc với người dân và chính quyền tại thôn Ia Dơr, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

* Gỡ “nút thắt”, thu hút dân cư

 Đề án di dân, bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn huyện Ia H’Drai được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt tại Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 23/3/2018. Sau hơn 3 năm triển khai, huyện Ia H’Drai đã bố trí sắp xếp được gần 3.200 hộ với hơn 10.600 khẩu đến làm công nhân cho các doanh nghiệp, đơn vị trồng cao su trên địa bàn huyện gắn với sắp xếp dân cư thuộc diện giãn dân từ các huyện, thành phố tại tỉnh Kon Tum; sắp xếp chỗ ở cho 113 hộ, gần 350 khẩu đến làm dịch vụ và công tác tại huyện ở 3/7 điểm dân cư.Trong đó, điểm dân cư 64 (làng Ia Dơr, xã Ia Tơi) được huyện Ia H’Drai kỳ vọng sẽ trở thành mô hình điểm trong việc thu hút, bố trí và sắp xếp dân cư. Chính quyền các cấp đã tập trung triển khai công tác tuyên truyền, vận động về các chính sách, quyền lợi được thụ hưởng khi người dân đến sinh sống. Hiện, có 64 hộ với 158 nhân khẩu (người dân tộc thiểu số chiếm hơn 82%) đã đăng ký đến đây định cư, đạt 64% theo kế hoạch đề ra.

Các huyện, thành phố tại tỉnh Kon Tum cũng tích cực phối hợp với huyện Ia H’Drai để vận động người dân đến điểm dân cư 64 sinh sống, song kết quả đạt được rất thấp. Thực tế, có 33/64 hộ, 118 nhân khẩu đã đến ở và ổn định cuộc sống; 5 hộ mới nhận nhà, nhận khoán vườn cây cao su và 26 hộ đã nhận đất, nhận khoán vườn cây nhưng chưa thực hiện di chuyển.

Kon Tum tháo gỡ "nút thắt" về thu hút, sắp xếp dân cư tại huyện mới Ia H’Drai ảnh 2Cơ sở hạ tầng tại điểm dân cư 64, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) được đầu tư đầy đủ là tiền đề quan trọng trong việc thu hút người dân di cư đến nơi ở mới. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Theo ông Võ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai, nguyên nhân chủ yếu là do huyện chưa triển khai được chính sách hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền di dời nhà ở cho các hộ di dân trong năm 2021 vì các văn bản của Trung ương về thực hiện chính sách di dân không còn phù hợp về mặt thời gian (kết thúc vào cuối năm 2020). Bên cạnh đó, vào mùa mưa, một số điểm trên tuyến đường từ điểm dân cư 64 đến trung tâm xã Ia Tơi hay bị lầy lội, rất khó khăn trong việc đi lại nên người dân vẫn còn chần chừ, chưa muốn đến định cư.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, huyện đã chỉ đạo xã Ia Tơi đã tiến hành cắm mốc phân thửa và cam kết tạm giao khoảng 1.000 mét vuông đất ở, sản xuất khi người dân đến sinh sống tại nơi ở mới. Chính quyền địa phương cũng phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Duy Tân (Công ty Duy Tân) cam kết với người dân sẽ bố trí việc làm và đào tạo nghề cạo mủ cao su; giao khoán vườn cây cao su để người dân chăm sóc, bảo vệ; xây dựng nhà ở và nhà vệ sinh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các hộ dân.

Kon Tum tháo gỡ "nút thắt" về thu hút, sắp xếp dân cư tại huyện mới Ia H’Drai ảnh 3 Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang (giữa) tham quan mô hình nuôi cá trên cạn tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

“Huyện Ia H’Drai kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thành công trình đường giao thông tỉnh lộ 675A - đoạn qua địa bàn huyện; đồng thời, cho chủ trương để huyện tạm chi kinh phí từ nguồn đã bố trí cho Đề án di dân, bố trí, sắp xếp dân cư nhằm hỗ trợ gạo, tiền di dời và nhà ở cho các hộ di dân trong năm 2021 trong khi chờ chính sách mới của Trung ương. Trường hợp chính sách mới Trung ương ban hành không có nội dung trên thì trình Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum thông qua chính sách riêng của tỉnh để quyết toán phần tạm ứng và tiếp tục hỗ trợ người dân.” - ông Võ Anh Tuấn cho biết thêm.

Với những chính sách thu hút, đầu tư hấp dẫn, huyện Ia H’Drai kỳ vọng đây là cơ hội giúp người dân sinh sống ổn định tại nơi ở mới, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

* Hướng đến điểm dân cư kiểu mẫu

 Năm 2019, gia đình anh A Gih (26 tuổi, làng Ia Dơr, xã Ia Tơi) đã quyết định di chuyển từ xã Sa Bình, huyện Sa Thầy đến điểm dân cư 64 để sinh sống. Tại đây, anh được chính quyền địa phương hỗ trợ 15 triệu đồng và cấp 400m2 đất ở, 600m2 đất sản xuất. Bên cạnh đó, Công ty Duy Tân đã nhận anh làm công nhân và đào tạo nghề cạo mủ cao su, giao khoáng 1,5 héc ta cao su để anh chăm sóc.

Anh A Gih vui mừng cho biết, từ một hộ gia đình còn nghèo khó, anh đã có đất ở và công việc ổn định khi đến nơi ở mới. Kết hợp với việc trồng lúa nước, chăm sóc cây cao su, anh Gih có thu nhập bình quân hàng tháng được hơn 5 triệu đồng. Giờ đây, anh Gih đã có “của ăn, của để”, con cái được đến trường học tập đầy đủ nên anh dự định sẽ bám trụ lâu dài tại mảnh đất mới này.

Kon Tum tháo gỡ "nút thắt" về thu hút, sắp xếp dân cư tại huyện mới Ia H’Drai ảnh 4 Những ngôi nhà tại điểm dân cư 64, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) được chính quyền địa phương tạm cấp cho người dân khi đến định cư tại nơi ở mới. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Được biết, ngoài phần diện tích đất ở, sản xuất được cấp, huyện Ia H’Drai cũng tạm giao khoảng 0,3 ha ruộng nước/hộ trong tổng diện tích khai hoang 26,3 ha đất ruộng nước đã khai hoang cho 46 hộ dân khác; số diện tích còn lại được chính quyền địa phương cho người dân mượn 14,6 ha/31 hộ để sản xuất kịp thời mùa vụ; Công ty Duy Tân cam kết cho người dân mượn lâu dài 40 ha diện tích nhàn rỗi, chưa trồng cao su để trồng cây ngắn ngày, cải thiện cuộc sống. Tuy cuộc sống có phần khởi sắc hơn trước, song tất cả 33 hộ dân đã định cư tại điểm dân cư 64 đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống còn khó khăn.

“Trước tình trạng này, chính quyền xã Ia Tơi nói riêng, huyện Ia H’Drai nói chung cần tăng cường tiếp xúc cử tri tại thôn, làng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, đưa ra những phương án lâu dài, giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, xã Ia Tơi cần phối hợp chặt chẽ với Công ty Duy Tân để đào tạo việc làm và đảm bảo quyền lợi của người lao động, giúp người dân an tâm sinh sống tại nơi ở mới” - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang nhấn mạnh trong buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy tại điểm dân cư 64, xã Ia Tơi vừa qua.

Kon Tum tháo gỡ "nút thắt" về thu hút, sắp xếp dân cư tại huyện mới Ia H’Drai ảnh 5 Công trình hồ thủy lợi Ia Hiur ở xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) có tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng, dung tích 8,3 triệu mét khối, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng tuyến đường Tỉnh lộ 675A trong thời gian sớm nhất. Khi hoàn thành, Tỉnh lộ 675A - nối xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai) với xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) sẽ tạo tiền đề quan trọng trong việc lưu thông, qua lại và thu hút dân cư từ các địa phương đến an cư, lập nghiệp tại huyện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ thuỷ lợi Ia Hiur nhằm phục vụ tưới hơn 1.000ha hoa màu các loại và sinh hoạt của người dân tại thôn 9 và điểm dân cư 64 xã Ia Tơi.

Bí thư Tỉnh ủy kỳ vọng, đến cuối năm 2022, điểm dân cư 64 sẽ có 100 hộ đến định cư và trở thành mô hình điểm của huyện Ia H’Drai. Từ đó, tạo “bước đệm” để huyện tiếp tục xây dựng, mở rộng các điểm dân cư khác và hướng đến hình thành nên một xã mới, đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của toàn huyện.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm